Gia Lai lan tỏa phong trào 'Cựu chiến binh gương mẫu'
Trong 5 năm (2019-2024), phong trào thi đua 'Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu' tiếp tục được Hội CCB tỉnh Gia Lai phát động sâu rộng và triển khai linh hoạt dưới nhiều hình thức, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia.
Phong trào đã tạo động lực để hội viên CCB vươn lên phát triển kinh tế, tham gia xây dựng tổ chức Hội và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Gương mẫu trong phát triển kinh tế
Cựu chiến binh Đinh Văn Hân (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) là một trong những gương điển hình trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu tại địa phương. Năm 2010, anh Hân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương và lập gia đình. Được bố mẹ cho 2 ha đất sản xuất, vợ chồng anh đầu tư trồng bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Anh đã quyết định chuyển đổi sang trồng mía, mì.
“Mình nhìn những người xung quanh làm rồi học tập. Mình thấy cây mì, cây mía có khả năng chịu hạn tốt, hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Trước đây, mỗi ha bắp, mình thu khoảng 20 triệu đồng. Sau khi chuyển sang trồng mía, mình thu 50 triệu đồng”-anh Hân so sánh.
Nhờ biết dành dụm, vợ chồng anh Hân mua thêm 1 ha đất và thuê 2 ha đất trống của người dân trong làng để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, anh đầu tư mua 1 chiếc máy cày vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, vừa cày đất thuê cho người dân trong vùng để tăng thu nhập. Mỗi năm, gia đình anh tích lũy trên 200 triệu đồng. Năm 2024, gia đình xây dựng được ngôi nhà rộng 125 m2 với kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Tương tự, CCB Nguyễn Văn Thuận (làng Xom Pốt, xã Ia Pia, huyện Chư Prông) thu về gần 500 triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi hươu, nai. Anh Thuận chia sẻ: “Thất bại từ cây hồ tiêu giúp tôi nhận ra rằng rất khó để làm giàu. Sau nhiều trăn trở, năm 2013, tôi quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi hươu, nai. 3 sào đất trồng hồ tiêu chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi”.
Từ 3 con giống, đến nay, trang trại của anh Thuận đã mở rộng, duy trì 60 con hươu, nai sinh sản, cấp con giống ra thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi.
Vài năm trở lại đây, gia đình anh còn chế biến các sản phẩm từ nhung hươu như: nhung hươu thái lát khô, nhung hươu tán bột, nhung hươu ngâm rượu, cao nhung hươu… được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Đặc biệt, sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong Huy Thuận đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021 và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, nhiều CCB trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.034 hộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 58/220 xã, phường trong tỉnh không còn hội viên CCB nghèo. Nhiều cán bộ, hội viên không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tích cực giúp đỡ hội viên khó khăn về cây-con giống, vốn, khoa học kỹ thuật, ngày công lao động… để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gắn với các phong trào, cuộc vận động
Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh-cho biết: Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn liền với các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Qua phong trào, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, trở thành nơi tập hợp, đoàn kết của các thế hệ CCB.
Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã phát triển 7.783 hội viên mới (đạt 125,53% chỉ tiêu); nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 35.868, tham gia sinh hoạt tại 1.612 chi hội. Qua bình xét hàng năm, trên 96% chi hội, cơ sở hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 92% hội viên đạt tiêu chuẩn hội viên gương mẫu và trên 95% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Đặc biệt, cụ thể hóa các chỉ tiêu từ phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, các cấp Hội đã triển khai, duy trì nhiều mô hình, cách làm hiệu quả giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, như: “Đàn bò nghĩa tình đồng đội”, “Nuôi bò, dê sinh sản”, “Giúp hươu, nai giống để thoát nghèo”, “10+1”, “5+1”…
Ông Nguyễn Đức Chiến-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Vê (huyện Chư Prông) cho hay: Hội viên là người dân tộc thiểu số của xã chiếm hơn 61%. Do vậy, Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên trong cuộc sống.
Từ năm 2019 đến nay, Hội đã vận động hội viên tái canh 22 ha cà phê và trồng xen cây ăn quả nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, hỗ trợ 8 hội viên nghèo vay vốn từ quỹ nội bộ để mua 25 con dê giống, 3 con bò sinh sản làm sinh kế; nhận đỡ đầu 2 học sinh là con hội viên nghèo với mức hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng/cháu.
Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, những năm qua, cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh đã tích cực đóng góp Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên tự nguyện hiến 85.779 m2 đất, quyên góp ủng hộ trên 3 tỷ đồng và tham gia trên 30 ngàn ngày công lao động để làm mới, sửa chữa, nâng cấp gần 100 km đường giao thông nông thôn và nhiều công trình tại địa phương.
Ông Hoàng Quốc Việt-Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Pa-thông tin: Giai đoạn 2019-2024, Hội đã hỗ trợ xây dựng 17 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 15 nhà từ nguồn kinh phí từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của huyện, của tỉnh; 2 căn nhà từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Cán bộ, hội viên trong huyện đã hiến 9.008 m2 đất để làm các công trình dân sinh và đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng 4 buôn đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Chủ tịch Hội CCB tỉnh, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” luôn được các cấp Hội cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tiễn, dưới nhiều hình thức, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Phát huy kết quả đã đạt được, các cấp Hội CCB tiếp tục duy trì và nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay để phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Chiều 25-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) đã diễn ra phiên làm việc thứ nhất Đại hội thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” tỉnh lần thứ VII (2024-2029). Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nay Hứ và Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phạm Mạnh Hùng điều hành phiên làm việc thứ nhất. Dự Đại hội tại phiên làm việc thứ nhất có 129 đại biểu đại diện cho gần 36 ngàn cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh.
Tại phiên làm việc thứ nhất, các đại biểu đã bầu Đoàn Chủ tịch và thư ký Đại hội; thông qua quy chế, chương trình Đại hội; báo cáo chất lượng đại biểu tham dự Đại hội; quán triệt nội dung và giới thiệu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Các đại biểu đã nghe đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chia sẻ một số mô hình, cách làm hay dưới hình thức tham luận và qua video clip.
Trong khuôn khổ phiên làm việc thứ nhất, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh đã tặng bằng khen cho 30 tập thể, 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019-2024.
Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hoa, báo công trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) và dâng hương tại nơi thờ Bác trong khuôn viên Quảng trường.