Gia Lai nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác dân vận
Nhằm đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND để chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện thống nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải có hiệu quả. Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với an toàn trong đại dịch Covid-19; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng nền hành chính nhà nước phục vụ tốt nhất các nhu cầu của Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, kịp thời, đột phá, sáng tạo. Phải gắn việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận cơ quan, đơn vị mình với việc triển khai nhiệm vụ chính trị.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác dân vận; xác định đầy đủ nhiệm vụ, công việc của cơ quan, đơn vị và phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận; quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tập trung rà soát, tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo mỗi cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải xây dựng, nhân rộng, phát huy hiệu quả ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo”.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Thực hiện nghiêm Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung đổi mới và nâng cao thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc, đối thoại, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân. Quan tâm định kỳ, thường xuyên rà soát, giải quyết nhanh chóng các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không được tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức lấy ý kiến cộng đồng, phản biện khoa học, phản biện xã hội, giám sát đầu tư cộng đồng của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Chủ động, tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, kết quả thực hiện nhiệm vụ dân vận chính quyền và các mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực...