Gia Lai: Người có uy tín tích cực tuyên truyền về bầu cử
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tranh thủ đội ngũ người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng sự kiện chính trị quan trọng này.
Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh hiện có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 771 người là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.
“Người có uy tín gương mẫu, tiên phong trong mọi lĩnh vực và nắm bắt tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, những ngày này, người có uy tín ở tỉnh ta cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử”-bà Lan chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Hùng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), thời gian qua, xã động viên những người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về công tác bầu cử. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; giới thiệu người ứng cử; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử; quyền và nghĩa vụ của cử tri và các quy định, thể thức về bầu cử. Bên cạnh đó, người có uy tín nhắc nhở bà con không tin và nghe theo những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Với bề dày 20 năm được bầu chọn là người có uy tín ở làng O Ngó (xã Ia Băng), ông Hyang chia sẻ: “Làng có việc gì cần giải quyết là tôi đều có mặt. Thời điểm này, khi có chủ trương tuyên truyền về bầu cử, tôi cùng Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ vận động người dân tham gia các buổi họp làng để nghe phổ biến thông tin về bầu cử. Làng đã chọn và giới thiệu 4 người ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, tôi truyền đạt những nội dung cơ bản nhất để bà con nắm được quyền và nghĩa vụ của cử tri, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, tôi cũng dặn dò bà con phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, không được đi bầu thay, cân nhắc kỹ bỏ cho ai, tìm người có đức, có tài để giúp đất nước, quê hương mình ngày càng phát triển”.
Cũng như các địa phương, đến thời điểm này, huyện biên giới Chư Prông đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ 2, chốt danh sách sơ bộ 65 người ứng cử HĐND cấp huyện và 814 người ứng cử HĐND cấp xã.
Ông Kpuih Hồ Công Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông-cho biết: Nhờ tranh thủ đội ngũ người có uy tín đồng hành trong công tác tuyên truyền nên các bước tiến hành của cuộc bầu cử đều được thông tin rộng rãi. 100% cử tri trong huyện đã nắm được quy trình, nguyên tắc, thời gian cũng như ý nghĩa của bầu cử.
Không chỉ tuyên truyền trong những buổi hội họp, ông Rơ Mah Chim (người có uy tín làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) còn đến từng nhà, nhất là những gia đình có người đi làm ăn xa thông báo để gia đình biết đến ngày bầu cử thì về đi bỏ phiếu. “Bằng cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả cử tri trong làng đã hiểu ý nghĩa của việc bầu cử và có trách nhiệm trực tiếp đi bỏ phiếu để bầu ra người có đức, có tài. Cử tri đủ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử”-ông Rơ Mah Chim nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhìn nhận: Việc phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền bầu cử đã được các địa phương chú trọng ngay từ đầu. Người có uy tín cùng với Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thôn chủ động gặp gỡ, tiếp xúc, đến từng hộ dân để tuyên truyền cho cử tri hiểu về Luật Bầu cử.
“Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín, 100% cử tri trong tỉnh hăng hái đi bầu cử, thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đủ đức để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp”-bà Lan khẳng định.