Gia Lai: Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Chư Nghé

Chuỗi hoạt động Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Chư Nghé (22/9/1973-22/9/2023), nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí quật khởi của quân và dân huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai.

Thông tin từ UBND xã Ia Krắi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Chư Nghé sẽ diễn ra tại xã Ia Krắi sáng 22/9/2023.

Theo đó, UBND xã Ia Krắi phối hợp với các Thôn, Làng xây dựng, triển khai chương trình liên hoan Văn hóa cồng chiêng, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã gìn giữ, phát huy và bảo tồn không gian văn hóa cổng chiêng đặc sắc của đồng bào mình là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

 Tưởng đài chiến thắng Chư Nghé.

Tưởng đài chiến thắng Chư Nghé.

Đây cũng là dịp để người dân thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương. Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân trên địa bàn xã. Cổ vũ, động viên Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; góp phần quảng bá hình ảnh, con người xã Ia Krăi gắn với các hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch trên địa bàn huyện và tỉnh Gia Lai.

Với quy mô 15 thôn, làng trên địa bàn xã đăng ký tham gia, trong đó có 9 làng ký tham gia biểu diễn cồng chiêng múa xoang với các chủ đề như Cúng Pơ Thi, Mừng lúa mới, Mừng Đảng, Bác Hồ, Mừng Chiến thắng Chư Nghé… Đăng ký tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ quần chúng có 7 thôn làng đăng ký tham gia với 13 tiết mục múa, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước...Các thiết mục tham gia biểu diễn được các thôn, làng tập luyện công phu, kỹ càng, điêu luyện, với sự tham gia của đông đảo của quần chúng nhân dân trên địa bàn xã.

 khu di tích Chư Nghé.

khu di tích Chư Nghé.

Di tích đồi Chư Nghé nay thuộc xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cách TP.Pleiku hơn 40 km. Phía Tây Bắc căn cứ là các điểm cao 352, 327 dọc sông Pô Cô, cách đường vận chuyển chiến lược của ta 10 km. Cứ điểm Chư Nghé được địch xây dựng khá kiên cố trên một quả đồi hình củ lạc, chia thành hai khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào, được bao bọc bởi 9-14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mìn chống xe tăng dày đặc.

Cách đây 50 năm, nơi đây diễn ra một trận đánh lịch sử, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” địch áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến thắng Chư Nghé không những tiêu diệt một lượng lớn hỏa lực địch ngay tại trung tâm xuất phát hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, mà còn là đòn trừng trị đích đáng, là lời cảnh báo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại Hiệp định Paris.

 Người dân xã Ia Krắi tự hào truyền thống đấu tranh giữ nước, thấu hiểu và ghi nhớ công ơn, sự hy sinh anh dũng của lớp người đi trước qua tiếng cồng con chiên trong lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé.

Người dân xã Ia Krắi tự hào truyền thống đấu tranh giữ nước, thấu hiểu và ghi nhớ công ơn, sự hy sinh anh dũng của lớp người đi trước qua tiếng cồng con chiên trong lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé.

50 năm đã trôi qua, thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày Chiến Thắng Chư Nghé vẫn còn in đậm trong lòng nhiều người Việt Nam yêu nước. Các sự kiện, hoạt động kỷ niệm thời khắc đặc biệt này của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Krắi góp phần nêu cao truyền thống đấu tranh giữ nước, để các thế hệ sau thêm thấu hiểu và ghi nhớ công ơn, sự hy sinh anh dũng của lớp người đi trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người con Tây Nguyên, qua đó thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập, tự do hôm nay.

Trọng Nghị - Xuân Đô

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gia-lai-nhieu-hoat-dong-ky-niem-50-nam-ngay-chien-thang-chu-nghe-80795.html