Gia Lai: Phát huy nội lực để tăng nguồn thu ngân sách
Lời Tòa soạn: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9-10%. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính về các giải pháp điều hành dự toán thu chi ngân sách, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025.
*P.V: Thưa ông, dựa trên cơ sở nào để ngành Tài chính có thể đảm bảo thực hiện tăng thu bình quân hàng năm 9-10% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Nhìn lại kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2015-2019 có thể thấy rõ, tổng thu ngân sách đã thực hiện hơn 20 ngàn tỷ đồng, tăng so với kế hoạch 7,67%. Tốc độ tăng thu bình quân hàng năm ở giai đoạn này đạt 8,7%/năm, trong đó, tổng thu nội địa tăng so với kế hoạch là 9,9%.
Kết quả thực hiện thu ngân sách từng năm đã cho thấy có sự tăng trưởng ổn định, mang tính bền vững. Đơn cử như năm 2015 là 3.263,9 tỷ đồng thì đến năm 2019 là 4.556,2 tỷ đồng. Một điều cần lưu ý là mức thu ngân sách tự cân đối theo số Trung ương giao dự toán hàng năm tăng dần qua các năm.
Có được kết quả đó là nhờ nền kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua phát triển ổn định, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều có sự tăng trưởng khá, đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Các tiền đề về kinh tế là dư địa bền vững để nuôi dưỡng-khai thác nguồn thu cho ngân sách địa phương, cũng như đảm bảo khả năng tăng thu hàng năm theo nghị quyết đề ra cho giai đoạn 2020-2025.
*P.V: Là cơ quan giữ vai trò tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài chính-ngân sách, Sở Tài chính đã có giải pháp nào để hiện thực hóa chỉ tiêu thu một cách hiệu quả nhất từng năm và cho cả giai đoạn 2020-2025, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước hàng năm và cho cả giai đoạn 2020-2025 theo hướng ổn định-bền vững, Sở Tài chính đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh một số nhóm giải pháp cơ bản dựa trên phát huy nội lực, thực lực địa phương, gắn việc khai thác nguồn thu với kế hoạch tạo lập, xây dựng và nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chuyển biến thực hiện đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Sở Tài chính tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các giải pháp thu ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút nhà đầu tư, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết để phát huy tối đa công suất các nhà máy chế biến; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nguồn thu mới.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trên địa bàn TP. Pleiku, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Khu Công nghiệp Nam Gia Lai và các cụm tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị xã nhằm tạo ra nguồn thu ổn định, mang tính chiến lược cho ngân sách địa phương. Đây là hướng mở để gắn kết được nông nghiệp-công nghiệp với xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sở Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách từng năm sát với tình hình thực tế. Trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn thu, đánh giá năng lực-điều kiện lẫn khả năng phát triển của doanh nghiệp để tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ doanh nghiệp trung ương và địa phương, thuế công thương nghiệp, hoạt động xây dựng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho các dự án trọng điểm, các dự án giao thông nhằm tạo ra động lực kích cầu phát triển theo chuỗi, theo vùng.
*P.V: Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn cho nhiệm vụ thu ngân sách. Để đạt dự toán Bộ Tài chính giao 4.570 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao phấn đấu thu ngân sách 5.200 tỷ đồng, Sở Tài chính có giải pháp gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội cả nước và của Gia Lai. Để hoàn thành dự toán giao năm nay ở mức cao nhất, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau: Các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1575/KH-UBND ngày 31-7-2020 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh sau dịch, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo ra nguồn thu, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Ngành Thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện khai thác triệt để các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động dịch vụ thương mại, vận tải, xây dựng, truy thu kịp thời nộp vào ngân sách các khoản phải thu. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường và đất đai; thực hiện rà soát các dự án chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản gắn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
*P.V: Xin cảm ơn ông!