Gia Lai: Quan tâm phát triển mô hình nông hội

Qua nghiên cứu học tập mô hình hội quán của tỉnh Đồng Tháp, ngày 4-11-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Công văn số 2824-CV/TU về việc triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh và giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì tham mưu, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Với nhiều quyết tâm và nỗ lực, các mô hình nông hội lần lượt được thành lập ở các huyện, thị xã, thành phố. Tất cả nông hội đều hoạt động theo nguyên tắc “3 không, 3 tự, 3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Các thành viên Nông hội rau hoa Trà Đa (TP. Pleiku) chăm sóc rau. Ảnh: Hoàng Cư

Các thành viên Nông hội rau hoa Trà Đa (TP. Pleiku) chăm sóc rau. Ảnh: Hoàng Cư

Đến tháng 11-2022, toàn tỉnh có 135 nông hội, trong đó 62 nông hội duy trì hoạt động, 61 nông hội ít sinh hoạt, 12 nông hội không sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 153 nông hội với hơn 4.500 thành viên. Hầu hết các nông hội đều sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Là người được phân công theo dõi công tác này, ông Nguyễn Danh Xuân-Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) khẳng định: “Xây dựng mô hình nông hội là việc làm khó trong cơ chế thị trường hiện nay nên đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp cần thường xuyên hỗ trợ nông hội tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhất là liên quan đến việc liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên”.

Nông hội rau hoa Trà Đa là đơn vị đầu tiên được thành lập ở TP. Pleiku. Khi ra mắt vào cuối năm 2019, nông hội có 32 thành viên, đăng ký sản xuất hơn 7 ha rau, hoa ở thôn 1 và thôn 5, xã Trà Đa. Đến nay, nông hội có 60 thành viên chuyên canh hơn 20 ha rau, hoa các loại. Ngoài việc thường xuyên chia sẻ những thông tin trong quá trình trực tiếp sản xuất cùng nhau, qua điện thoại, mạng internet, các thành viên còn gắn kết thông qua hội họp mỗi tháng 1 lần.

Tại các cuộc họp, các thành viên chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm hữu ích về việc chọn đất canh tác, kỹ thuật làm đất, gieo trồng, chăm sóc các loại cây, phân tích nhu cầu thị trường sử dụng công nghệ, tưới nước tiết kiệm, bảo quản nông sản, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp…

 Gia đình chị Trần Thị Tuyết (thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vận chuyển rau củ đi bán. Ảnh: Hoàng Cư

Gia đình chị Trần Thị Tuyết (thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vận chuyển rau củ đi bán. Ảnh: Hoàng Cư

Ông Đoàn Khắc Châu-Chủ nhiệm Nông hội rau hoa Trà Đa-cho biết: “Tham gia nông hội có nhiều cái hay như được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn với các đối tác, có điều kiện tra cứu giá cả thị trường vật tư nông nghiệp, có cơ sở vay vốn ưu đãi để làm ăn. Nhờ đó, các thành viên thêm đoàn kết, không ngừng nâng cao kiến thức, cải thiện thu nhập và đời sống. Từ thực tế hoạt động, một số thành viên kiến nghị các ban ngành, cơ quan tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi ở ngoài tỉnh, tăng vốn vay ưu đãi để nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả”.

Nông hội trồng cà phê sạch làng Ó (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) thành lập vào tháng 4-2022, với 59 thành viên người Jrai, đăng ký sản xuất 93 ha cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C. Đến nay, nông hội này đã có 62 thành viên, đăng ký trồng hơn 100 ha cà phê với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai.

Bà Rơ Châm H’Phiu bộc bạch: “Mình là thành viên của Nông hội trồng cà phê sạch làng Ó. 5 người trong gia đình mình đều được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, bón phân khoa học, giảm thiểu hóa chất. Khi thu hoạch, công ty thu mua tất cả. Mình vui hơn là cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bằng tiếng Jrai giúp bà con mình dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Các nông hội thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là Hội Nông dân trong triển khai hoạt động. Ông Y Khâm-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: “Các chi hội nông dân thường xuyên lồng ghép chương trình hoạt động, phong trào thi đua với các nông hội; tuyên truyền, vận động các thành viên tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, hoạt động của các nông hội có sự chuyển biến tích cực, thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia. Để phát triển mô hình nông hội hiệu quả hơn nữa, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các thành viên cần phát huy nội lực, đổi mới tư duy, sản xuất cây trồng, vật nuôi thị trường cần, mở rộng các mô hình sản xuất, gắn kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ và cải thiện giá trị sản phẩm".

HOÀNG CƯ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-quan-tam-phat-trien-mo-hinh-nong-hoi-post256601.html