Gia Lai sắp hoàn thành tuyến đường 1.200 tỷ
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Gia Lai. Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng) với chiều dài toàn tuyến là 15,14 km...
Sáng 30-11, Đoàn công tác do ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19).
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Gia Lai. Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng) với chiều dài toàn tuyến là 15,14 km.
Thời gian thực hiện dự án là 2022-2025. Dự án khi hoàn thiện sẽ giúp kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku, băng qua các điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai như Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh...
Theo báo cáo của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án khởi công tháng 12-2022 và được chia làm 3 gói thầu xây lắp với tổng giá trị hợp đồng xây lắp hơn 889,35 tỷ đồng.
Hiện dự án đang triển khai thi công cầu Biển Hồ với các hạng mục: móng cọc khoan nhồi, gia công vòm thép, sản xuất cấu kiện đúc sẵn (như: cống bê tông cốt thép, tấm lát…); giá trị khối lượng xây lắp đạt khoảng 120 tỷ đồng. Dự kiến công tác thi công sẽ được triển khai đồng loạt từ tháng 12-2023-sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ trưởng, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sau đó huy động nhân lực, vật lực để tập trung triển khai thi công, cố gắng hoàn thành dự án vào khoảng giữa năm 2025 cho kịp đại hội đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2025-2030).
Trước đó, những tuyến đường “huyết mạch” của Gia Lai đã lần lượt được hoàn thiện tại Gia Lai như: quốc lộ 14 xuyên suốt tới TP Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũng là 1 phần của tuyến đường xuyên Á AH17 từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu); quốc lộ 25 đi Phú Yên; quốc lộ 19 nối Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với cảng Quy Nhơn…
Đại diện Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã đề xuất xây dựng cao tốc Pleiku - Quy Nhơn kế hoạch đầu tư trước năm 2025 và hoàn thành trước năm 2030, cao tốc Bắc - Nam và phía Tây để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng phải được sớm đầu tư. Đối với kết nối vùng, cần đầu tư tuyến Ayun Pa - Đắk Lắk để thúc đẩy phát triển khu vực này và tuyến quốc lộ 19E kết nối An Khê với Phú Yên.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đang chờ tuyến đường sắt qua các tỉnh Tây Nguyên để kết nối nhanh, mạnh hơn với các tỉnh thành khác. Hệ thống đường sắt qua Gia Lai là nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng thu hút đầu tư, nhất là công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Việc này cũng phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-lai-sap-hoan-thanh-tuyen-duong-1-200-ty.htm