Gia Lai thu hút doanh nghiệp lữ hành để xúc tiến du lịch
Công ty lữ hành là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, giữ vai trò cầu nối thúc đẩy du lịch phát triển. Vì vậy, không ít người cho rằng, để đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến ngành công nghiệp không khói của địa phương, Gia Lai cần thu hút, kết nối nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước trong việc tổ chức, xây dựng, bán và thực hiện tour du lịch trọn gói cho du khách.
Những năm gần đây, hoạt động của các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần quảng bá thông tin cho du khách, giúp họ lựa chọn điểm đến phù hợp với nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn; đồng thời liên kết với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi-giải trí trên toàn tỉnh để tạo thành gói sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong 9 tháng năm 2019, tổng lượt khách đến Gia Lai đạt 566.000 lượt (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước); trong đó chủ yếu là khách nội địa với 554.700 lượt (tăng 26,4%), khách quốc tế đạt 11.300 lượt (tăng 16,7%). Tổng thu du lịch đạt 261 tỷ đồng (tăng 23,1%).
Tuy nhiên, để ngành du lịch của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, công tác kết nối, mời gọi các công ty lữ hành trên cả nước xây dựng tour du lịch về với Gia Lai là một trong những việc vô cùng cần thiết. Ông Trần Minh Hội-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh là người rất tâm huyết với vấn đề trên. Từ đầu năm đến nay, ông đã kết nối được với 37 doanh nghiệp lữ hành trên khắp mọi miền Tổ quốc đến Gia Lai để khảo sát các tuyến, điểm du lịch, làm cơ sở tiến tới xây dựng, tổ chức, bán và thực hiện các tour du lịch cho du khách về với Phố núi. Không dừng lại ở đó, nhiều chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm thực tế còn nhận lời mời của ông, tình nguyện đến Gia Lai để hỗ trợ tập huấn về cách làm du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng cho hơn 100 người là cán bộ quản lý và bà con các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kbang. “Các doanh nghiệp lữ hành giữ một vị trí vô cùng quan trọng, bởi lẽ, dù chúng ta có xây dựng được sản phẩm du lịch hoàn hảo mà không có họ khai thác, bán tour thì gần như sẽ thất bại. Vì thế, tỉnh nên mời gọi, thu hút càng nhiều công ty lữ hành đến với tỉnh càng tốt. Tất nhiên khi mời gọi, chúng ta cũng phải biết rõ họ là doanh nghiệp nào, mức độ uy tín và hoạt động hiệu quả ra sao”-ông Hội phân tích.
Theo ông Hội, từ đầu năm đến nay có khoảng 20 công ty lữ hành lớn nhỏ từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Nam Định, Thanh Hóa, An Giang… tự đến tìm hiểu về khả năng khai thác du lịch của Gia Lai để xây dựng tour cho khách. Anh Nguyễn Văn Tài-Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel (Hà Nội) đánh giá: “Gia Lai là điểm đến giàu tiềm năng trong tuyến du lịch Tây Nguyên, song hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với du khách. Tôi nghĩ, tỉnh cần thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp lớn đầu tư cho du lịch để tạo ra những sản phẩm có sức hút, từ đó mới đẩy mạnh xúc tiến và môi giới du lịch. Cùng với đó, việc liên kết với các tỉnh khác trong khu vực để tạo thành một chuỗi du lịch thống nhất cũng rất cần thiết nhằm loại bỏ những chồng chéo, trùng lặp gây nhàm chán cho khách tham quan. Riêng các doanh nghiệp lữ hành của địa phương cũng cần chung tay với chính quyền trong việc quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với nhiều đối tượng hơn nữa, nhất là với những người trong ngành lữ hành trên khắp cả nước”.
Bà Phan Thị Thu Minh-Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam-cũng chia sẻ, bản thân bà đã trực tiếp đi khảo sát tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, rừng Kon Ka Kinh, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, Plei Ốp, thác Phú Cường, chùa Minh Thành, công viên Diên Hồng, đồi cỏ hồng Glar… và nhận thấy phong cảnh những nơi này khá đẹp. Bà cũng như doanh nghiệp của mình cũng dành những lời “có cánh” để giới thiệu về danh lam thắng cảnh, lễ hội đặc trưng của vùng đất Gia Lai cho khách du lịch và họ tỏ ra khá quan tâm. “Trong năm nay, công ty chúng tôi đã liên kết với một số doanh nghiệp lữ hành ở Gia Lai tổ chức cho khoảng 250 khách đến đây tham quan. Chỉ tiếc là công tác xúc tiến và quảng bá du lịch của tỉnh dường như chưa được chú trọng đúng mức, việc đầu tư dịch vụ tại các điểm du lịch còn hạn chế. Do đó, có nhiều điểm chúng tôi không dám đưa khách đi vì biết dịch vụ nơi ấy chưa sẵn sàng. Đó chính là điểm yếu của du lịch Gia Lai”-bà Minh bày tỏ.
Ngoài nỗ lực từ các cơ quan, ban ngành, địa phương của tỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, mỗi công dân đều có thể chung tay quảng bá, thu hút và tạo ấn tượng đối với các doanh nghiệp lữ hành cũng như du khách gần xa thông qua hình thức “Local Guide” trên Google Maps. “Trong quá trình khám phá, chúng ta hãy viết bài đánh giá, chia sẻ ảnh, thêm hoặc chỉnh sửa địa điểm… trên bản đồ Google. Dựa vào những thông tin đóng góp này, khách du lịch hoặc công ty lữ hành sẽ dễ dàng biết đến các điểm du lịch của tỉnh, nắm được tổng quan và chủ động kết nối tham quan. Hơn 3 năm qua, tôi đã đưa được khá nhiều thắng cảnh, địa phương gắn với lễ hội du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… của Gia Lai lên Google Maps và tạo được hiệu ứng khá tốt”-ông Hội cho hay.