Gia Lai: Tích cực triển khai hỗ trợ điện mặt trời mái nhà

Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 13 ngày 06/4/2020 về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có quy định cụ thể giá mua điện mặt trời mái nhà, tại tỉnh Gia Lai đã có hơn 300 chủ đầu tư đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 300 MWp.

Tỉnh Gia Lai xác định 2 trụ cột để đột phá phát triển kinh tế là năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Với số giờ nắng trung bình vào khoảng 1.900 – 2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6-5,2 kWh/m2. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Gia Lai phát triển các dự án điện mặt trời. Bên cạnh các dự án năng lượng mặt trời lớn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lẫn hộ gia đình tại Gia Lai đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà với quy mô nhỏ để trước hết là phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sau đó là bán lại sản lượng điện dư thừa cho ngành điện.

Chỉ trong 1 tháng sau Quyết định 13 của TTCP, tại Gia Lai đã có tới hơn 300 doanh nghiệp, cá nhân đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Chỉ trong 1 tháng sau Quyết định 13 của TTCP, tại Gia Lai đã có tới hơn 300 doanh nghiệp, cá nhân đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Để khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, ngay từ năm 2018 đến nay, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện cho các chủ đầu tư từ công tác tư vấn, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu đóng điện, lắp đặt công tơ 2 chiều tính toán giao nhận điện năng.

Theo cơ chế khuyến khích chung của ngành điện, khách hàng khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ được lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định. Ngoài ra, PC Gia Lai cũng thường xuyên kiểm tra, tư vấn, khuyến cáo các khách hàng đã lắp pin mặt trời mái nhà nhưng chưa đăng ký thỏa thuận đấu nối, chưa thỏa thuận lắp công tơ 2 chiều, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn khi tự ý hòa lưới.

Theo ông Võ Ngọc Quý – Phó Giám đốc kinh doanh PC Gia Lai, công suất hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phụ thuộc nhu cầu sử dụng, kinh doanh của mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp và diện tích mái nhà hiện có. Thông thường đối với hộ gia đình nhỏ, công ty nhỏ có thể đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đến 10 kWp để sử dụng.

Trong năm 2019, PC Gia Lai đã thực hiện đấu nối được 12,336 MWp, vượt kế hoạch Tổng Công ty Điện lực Miền Trung giao (7,5 MWp). Năm 2020, dự kiến PC Gia Lai sẽ vượt xa kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) giao (20 MWp) khi chỉ trong vòng 1 tháng sau khi Thủ tướng có quyết định số 13 ngày 6/4/2020 về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời đã có tới hơn 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 300 MWp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai có 319 dự án lắp đặt, đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất 5,1 MWp; 17 dự án đấu nối vào lưới điện trung áp với tổng công suất 13,7 MWp. Tổng số tiền ngành điện đã trả cho các chủ đầu tư đến thời điểm hiện tại (mới chỉ trả cho các công trình đóng điện trước ngày 30/6/2019) là 8,9 tỉ đồng. Đối với các dự án đóng điện sau ngày 30/6/2019, hiện đã có quy định về giá mua điện từ ngày 01/7/2019 – 21/12/2020 (giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 8,34 UScents/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh) và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện), PC Gia Lai sẽ sớm thanh toán toàn bộ sản lượng điện các đơn vị đã bán cho ngành điện được bảo lưu từ ngày 01/7/2019 đến nay ngay khi có văn bản hướng dẫn chi trả tiền điện cụ thể của các cấp thẩm quyền.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-lai-tich-cuc-trien-khai-ho-tro-dien-mat-troi-mai-nha-137809.html