Gia Lai: Văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét

Ngày 7/2, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai (Ban ATGT), thông tin với PV Báovề việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, hậu quả của các vụ TNGT ít nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ năm 2023 (các vụ TNGT nghiêm trọng giảm 0,62%; các vụ rất nghiêm trọng giảm 0,81%; không xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có 12 vụ chỉ thiệt hại về tài sản). Bên cạnh đó, TNGT liên quan xe máy kéo nhỏ, xe công nông; do vi phạm lấn đường; xảy ra trên đường giao thông nông thôn giảm.

Dự án "đạp xe đến trường an toàn" ở Gia Lai đã giúp học sinh có nhiều kiến thức, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình tham gia giao thông

Dự án "đạp xe đến trường an toàn" ở Gia Lai đã giúp học sinh có nhiều kiến thức, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình tham gia giao thông

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng, tranh thủ được người có uy tín, chức sắc tôn giáo; việc tuyên truyền pháp luật và trang bị kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn được quan tâm triển khai ở các trường học; công tác rà soát, gọi hỏi răn đe, quản lý thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT được thực hiện ở nhiều nơi.

Hoạt động vận tải ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân; công tác quản lý thiết bị giám sát hành trình được siết chặt, tăng cường xử lý vi phạm. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và hoạt động đăng kiểm được giám sát thường xuyên. Công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ được duy trì thường xuyên, đảm bảo giao thông; việc đảm bảo ATGT trên đường bộ và nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng qua trường học được tăng cường. Các giải pháp phòng ngừa TNGT trong thanh thiếu niên, học sinh được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, ma túy và chất gây nghiện khác được chú trọng. Trong đó, xử lý tốc độ: +27,42%; nồng độ cồn: +3,09%; đi không đúng phần đường: +290,08%; ma túy: +145,45%.

Công an tỉnh huy động thành lập 04 Tổ chuyên đề, mỗi Công an cấp huyện thành lập 02 Tổ chuyên đề tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT; các chuyên đề trọng điểm được triển khai tích cực như: tốc độ, nồng độ cồn, xử lý học sinh, chú trọng xử lý hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, Sở Y tế Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị khám sức khỏe kịp thời để cung cấp thông tin các trường hợp dương tính với ma túy hoặc các chất kích thích thần kinh khác cho cơ quan công an địa phương xử lý theo quy định; số bệnh nhân tử vong do TNGT cấp cứu ở bệnh viên giảm 40 trường hợp, bệnh nhân cấp cứu TNGT có nồng độ cồn giảm 105 trường hợp.

Bước sang năm 2025, Ban ATGT tỉnh nhận thấy, mặc dù nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông tăng lên nhưng văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, việc chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa có chuyển biến mạnh mẽ.

Hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng; qua phân tích TNGT của cơ quan chức năng cho thấy, hằng năm có trên 90% các vụ TNGT là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông.

Học sinh được trang bị kiến thức, đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn trong quá trình tham gia giao thông.

Học sinh được trang bị kiến thức, đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn trong quá trình tham gia giao thông.

Vì vậy, để bảo đảm TTATGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT thời gian tới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật về TTATGT trong tình hình mới, Ban ATGT tỉnh đề nghị các cơ quan thành viên Ban và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, thực hiện một số nội dung như:

Tiếp tục quán triệt các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới…

Đánh giá tình hình, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, nhận thức rõ hiểm họa TNGT; mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông” đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật TTATGT.

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật về TTATGT theo nội dung và hình thức trọng tâm, phong phú như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực tiếp qua sinh hoạt cơ quan, khu dân cư, đoàn thể; trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; bằng các hình ảnh trực quan như pa-nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ, thông qua các hoạt động tập huấn, hội thi, hội diễn…

Biên soạn tài liệu, cẩm nang, tờ gấp... tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng Việt, Jrai, Bahnar có hình ảnh minh họa rõ ràng, dễ hiểu; xây dựng tin, bài, phóng sự, tăng cường thời lượng tuyên truyền bằng tiếng Jrai, Bahnar vào giờ thích hợp…

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; về quy tắc giao thông; kiến thức, kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn.

Thực hiện "Đã uống rượu bia, không lái xe", đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường; giảm tốc độ khi từ đường phụ ra đường chính; không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe. Tuyên truyền, vận động công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô cho người dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh niên.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gia-lai-van-hoa-tham-gia-giao-thong-chua-duoc-hinh-thanh-ro-net-468157.html