Gia Lâm nâng cao ý thức người dân về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, để kiểm soát an toàn thực phẩm, huyện Gia Lâm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Cùng với đó, huyện tăng cường rà soát, nâng cao hiệu quả việc thi hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 4.099 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 28 chợ... Bên cạnh đó, để giám sát an toàn thực phẩm từ gốc, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, gồm 1.800ha cây ăn quả, 650ha rau; đã chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP 515,73ha rau, quả; 2.590 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản lượng trung bình 1.478 tấn thịt hơi/tháng; 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, để triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý; công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm được đổi mới, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu; kết hợp truyền thông trực tiếp và tuyên truyền gián tiếp trên hệ thống thông tin đại chúng. Trong đó, huyện tập trung tuyên truyền phục vụ Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2024, tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chế biến bữa cỗ tập trung đông người; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và chất cấm sử dụng trong thực phẩm; phòng, chống ngộ độc rượu…
Cùng với công tác tuyên truyền, các đoàn kiểm tra đã tiêu hủy thực phẩm các loại trị giá gần 53 triệu đồng, gồm 300kg thực phẩm đông lạnh: 100kg mực, 170kg khoai tây, 30kg đậu hũ tôm hùm; 700 gói lương khô mini... Mặt khác, huyện tiếp tục thực hiện mô hình “Nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học” tại 2 trường học có bếp ăn tập thể theo chương trình của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người” tại 22/22 xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn duy trì giám sát an toàn thực phẩm 528 bữa cỗ tập trung đông người.
Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do hoạt động kinh doanh trực tuyến các mặt hàng thực phẩm diễn ra ngày càng đa dạng, không cố định địa điểm và con người, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại hộ gia đình mang tính thủ công, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không được kiểm soát về thú y, không bảo đảm vệ sinh môi trường…
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là bữa cỗ tập trung đông người tại các lễ hội; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết (giò, chả, xúc xích...), xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; rà soát, kiểm soát hoạt động kinh doanh, bảo quản thực phẩm nhập khẩu tại các kho bãi trên địa bàn huyện.