Thị trấn Trâu Quỳ là một trong những khu vực phát triển, có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của huyện Gia Lâm.
Toàn cảnh Gia Lâm từ trên cao, trước ngày lấy ý kiến nhân dân lên quận.
UBND huyện Gia Lâm vừa trình UBND TP. Hà Nội đề án thành lập quận với 16 phường, trên cơ sở hình thành từ 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã). Quận mới vẫn giữ nguyên diện tích tự nhiên 116,64km2, với dân số khoảng 310.000 người. Trong ảnh là Trung tâm Hành chính, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm (thị trấn Trâu Quỳ), khánh thành và đi vào sử dụng từ tháng 1/2022.
Theo thông báo, ngày 27/8 tới đây, huyện Gia Lâm sẽ tiến hành Tổ chức lấy ý kiến hơn 192.000 cử tri tại 166 khu vực - về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Tính đến tháng 7/2023, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận, 16 khu vực dự kiến thành lập phường đều đảm bảo đạt 10/13 tiêu chí. Về tiêu chuẩn, huyện Gia Lâm đã đảm bảo đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập quận và 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh là ga Yên Viên và trung tâm thị trấn Yên Viên.
Thị trấn Trâu Quỳ là một trong những khu vực phát triển, có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của huyện Gia Lâm.
Đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quân mới có sự thay đổi. Trước khi thực hiện Đề án, Gia Lâm có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 xã và 2 thị trấn. Sau khi tiến hành rà soát, một số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định nên phải sát nhập. Trong ảnh là Làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng), theo Đề án, xã Đông Dư sẽ nhập vào xã Bát Tràng thành phường Bát Tràng.
Khi trở thành quận, Gia Lâm sẽ có 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức. Trong ảnh là trung tâm xã Phù Đổng.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã như trên đảm bảo sự đồng nhất của các đơn vị hành chính về các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… Trong ảnh là Hội Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hướng tới chào mừng Gia Lâm trở thành quận, hàng loạt công trình trọng điểm của địa phương đã được triển khai xây dựng trong thời gian qua như: Tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ đến ga Phú Thụy; Nút giao Cổ Linh, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng;... Trong ảnh là Nút giao Cổ Linh (Gia Lâm và Long Biên), là nút giao thông hiện đại nhất Hà Nội.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt đô thị của huyện Gia Lâm đang dần hình thành theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, góp phần giúp huyện đạt các tiêu chí, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng để trở thành quận giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh là đường Lý Thánh Tông, khánh thành tháng 1/2021, dài 3,5km, chạy từ Quốc Lộ 5 tới đê Đông Dư.
Theo bản đồ quy hoạch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư ở Gia Lâm.
Việc thành lập quận Gia Lâm và thành lập các phường trực thuộc vừa góp phần tinh gọn bộ máy, giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, và cũng tạo điều kiện để địa phương này có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Trong ảnh là Khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá), được coi là nhà ở xã hội "tiên phong" của Hà Nội.
Bên cạnh những khởi sắc đó, vấn đề đảm bảo sinh kế lâu dài khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng là nỗi lo của một bộ phận dân cư trên địa bàn. “Người nông dân sau trong quá trình chuyển đổi sẽ thích nghi như thế nào, khâu đào tạo nghề ra sao để đáp ứng đối với cuộc sống đô thị nhất là những lao động lớn tuổi? Khi đô thị hóa, nông dân không còn đất canh tác, giá cả hàng hóa tăng cao cũng là nỗi lo”, ông Nguyễn Ngọc Dũng (44 tuổi, trú tại thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng) băn khoăn. Trong ảnh là cánh đồng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Dương Xá.
Tính đến ngày 18/8, cơ bản các xã, thị trấn của huyện Gia Lâm đã thực hiện xong mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri; số hộ, số cử tri, khu vực lấy ý kiến là 76.449 hộ, 192.574 cử tri/166 khu vực lấy ý kiến về Đề án thành lập quận.
Ngày 27/8, huyện Gia Lâm sẽ tiến hành Tổ chức lấy ý kiến cử tri về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Sau khi Nghị quyết HĐND huyện về việc thông qua đề án được ban hành, UBND huyện tổng hợp hồ sơ trình UBND TP. Hà Nội tổng hợp hồ sơ báo cáo, trình HĐND thành phố thông qua Đề án trong tháng 9/2023.
Trường Hùng