Khoản thuế 2% hoạt động giáo dục tuy nhỏ nhưng nếu bỏ sinh viên được hưởng lợi rất lớn

Ý kiến về việc cân nhắc áp khoản thuế 2% hoạt động giáo dục đối với sinh viên của Đại biểu Quốc Hội Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh khi tham gia góp ý về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm.

Có nên xem giáo dục đại học như một loại hoạt động dịch vụ để áp thuế hay không?

Có nên xem giáo dục đại học như một loại hoạt động dịch vụ để áp thuế hay không?

Bởi lẽ, khi khảo sát thực tế một số quốc gia, ví dụ như Mỹ, các trường đại học phi lợi nhuận thường không phải chịu thuế. Trong khi tại Việt Nam, các hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật được xem là loại dịch vụ và quy định hiện hành phải chịu thuế 2%.

Qua đó, ông Quân cho rằng, nếu áp dụng mức thuế 2%, khoản thuế này cũng sẽ được tính vào học phí, nghĩa là gánh nặng cho sinh viên và phụ huynh.

Tạp chí Công dân và khuyến học ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia xung quanh nội dung này

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương Mại, Bộ Công Thương.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương Mại, Bộ Công Thương.

Khi các trường đại học tự chủ, việc áp khoản thuế hoạt động giáo dục có còn phù hợp?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – từng là thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương bày tỏ, trước đây việc áp mức mức thuế này đối với sinh viên là cần thiết, vì nó sẽ góp phần vào quá trình vận động và đổi mới của một trường đại học khi các trường chủ yếu được nhà nước bao cấp và hoạt động bằng tiền ngân sách từ chủ quản.

Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều trường đại học công lập đã thực hiện tự chủ một phần, có trường đã tự chủ hoàn toàn và không quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách từ chủ quản thì việc áp mức thuế này đối với sinh viên cũng nên được xem xét lại. "Mức áp khoản thuế 2% hoạt động giáo dục với sinh viên cũng thực ra không phải là mức thu cao, nhưng nếu bỏ được mức này để sinh viên được thụ hưởng thì lại là một việc làm có tính chất nhân văn rất lớn.

Vì thế, thu thuế thế nào cho vừa đúng nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tại là một vấn đề mà các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng".

Hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam vẫn gồm các trường đại học công lập và ngoài công lập. Đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập thì vấn đề thu thuế có thể hiểu được.

Nhưng với các trường đại học trong khối công lập, khi chúng ta đang yêu cầu các trường thực hiện tự chủ, nguồn chi tiêu không còn quá lệ thuộc vào chủ quản thì việc áp các khoản thuế không chỉ với sinh viên và đối với các hoạt động của nhà trường cũng nên được xem xét theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho cả nhà trường và người học.

Từ đó, việc áp các khoản thuế trong hoạt động giáo dục cần cân nhắc kỹ càng các yếu tố để làm sao đưa ra các chính sách hợp lý, các điều khoản mới được quy định trong Luật phải thực sự thiết thực", vị nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp.

GS.TS Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu quan điểm, việc áp khoản thuế 2% hoạt động giáo dục như hiện nay là chưa thực sự phù hợp và hướng đến sinh viên.

Đồng thời vị này cũng nhấn mạnh, theo lộ trình thực hiện xã hội hóa giáo dục, việc cân nhắc để bỏ áp mức thuế này đối với sinh viên là điều nên làm và cần được sớm xem xét để đưa vào trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Vị chuyên gia này cũng nêu lên một số dẫn chứng về thời điểm ông còn tham gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi đó ông có dịp đi khảo sát các nước trên thế giới vào thời điểm cách đây hơn chục năm đã nhận thấy rằng, hoạt động của các trường đại học phi lợi nhuận tại một số quốc gia thường không phải chịu thuế.

Thậm chí họ còn miễn phí hoặc hỗ trợ học phí một phần cho người học. Phó Giáo sư Võ Đại Lược chia sẻ: "Đối với nước ta, trong điều kiện nền kinh tế còn cần dồn lực ngân sách để đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác quan trọng hơn thì việc thực hiện miễn thuế như một số quốc gia khác ở nước ngoài là việc chưa thể thực hiện ngay trong thời điểm này.

Tuy nhiên, với chủ trương chúng ta đang xã hội hóa giáo dục thì khi xây dựng Luật, rất cần những nhà soạn thảo, cơ quan ban hành luật có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự tiếp thu từ các ý kiến góp ý để Luật ban hành gắn với thực tế. Đối với việc áp các khoản thuế trong giáo dục đại học cũng cần được nghiên cứu để có đường hướng đúng đắn.

Có thể chưa áp dụng ngay nhưng chúng ta cũng nên có những lộ trình phù hợp với sự phát triển của đất nước, để làm sao việc thu các khoản thuế, phí đối với sinh viên không ảnh hưởng đến quyền được đến trường, quyền học tập của các sinh viên". Cần tính toán kỹ lưỡng khi áp các khoản thuế để không ảnh hưởng đến nhà trường.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì việc đưa ra ý kiến để xem xét không áp khoản thuế 2% hoạt động giáo dục khi đưa nội dung này vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Đại biểu Quốc hội Vũ Hải Quân cho thấy lãnh đạo này có sự quan tâm đến đời sống sinh viên.

Qua đó ông đồng tình với quan điểm theo hướng bỏ áp mức thuế 2% hoạt động giáo dục trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), với mong muốn giảm một phần gánh nặng đối với sinh viên. "Chúng ta cần hiểu rằng, phần lớn đầu tư của các trường đại học công lập trước nay đều là do vốn ngân sách nhà nước từ đất, xây dựng cơ sở vật chất, điện đến công cụ phục vụ giảng dạy, nghiên cứu…

Tuy nhiên, nếu từ việc hỗ trợ đó của nhà nước mà các trường đại học tạo có thể thêm các nguồn sản phẩm mới, cung cấp ra ngoài thị trường, bán được có lãi giúp tăng nguồn thu cho trường thì mới được tính vào các khoản phải nộp thuế. Còn đối với việc áp mức thuế này khi tính vào học phí của sinh viên thì cần được sớm được xem xét bãi bỏ. Có thể, mức áp thuế đó là không cao so với tổng thể số tiền sinh viên phải đóng nhưng đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì việc làm này có ý nghĩa rất lớn", Giáo sư Nguyễn Viết Tùng nhấn mạnh.

Theo vị nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, việc thu thuế từ các hoạt động giáo dục trong các trường đại học nói chung phần nào có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Từ việc thu thuế này nó hỗ trợ ngược trở lại với các nhà trường để phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công và đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó nó còn tạo sự công bằng giữa các ngành nghề. Trong đó có một số cơ sở giáo dục tư nhân, đặc biệt là các trường quốc tế hoặc trung tâm đào tạo cao cấp đang hoạt động như doanh nghiệp với lợi nhuận lớn thì việc thu thuế từ các tổ chức này giúp cân bằng sự đóng góp giữa các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, ngoài những mặt tích cực thì việc áp một số khoản thuế sẽ dẫn tới việc học phí bị đẩy lên.

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng bày tỏ: "Xét trong điều kiện hiện nay, việc áp khoản thuế này chưa phù hợp về chính sách khuyến khích giáo dục, bởi Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, với chủ trương và chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước thì các cơ quan soạn thảo và ban hành Luật rất cần xem xét đến vấn đề này. Tất nhiên, khi áp dụng vào thực tế thì cũng nên có sự tính toán kỹ lưỡng để khi thay đổi chính sách thuế không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các trường đại học".

Ngô Hiển

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khoan-thue-2-hoat-dong-giao-duc-tuy-nho-nhung-neu-bo-sinh-vien-duoc-huong-loi-rat-lon-179241216094114319.htm