Già làng Vi Văn Hợi - 'cột mốc sống' ở vùng biên Na Mèo
Những năm qua, phong trào 'Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia' ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Bằng tinh thần trách nhiệm, nhiều người dân trên dải biên giới Thanh Hóa đã tự nguyện sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh bảo vệ đường biên, cột mốc. Trong đó, già làng Vi Văn Hợi được ví như 'cột mốc sống' ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn).
Già làng Vi Văn Hợi, ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn).
Về bản Cha Khót, hỏi thăm già làng Vi Văn Hợi, người dân tộc Thái, bà con trong bản không ai không biết đến. Trong suốt hơn 23 năm qua, già Hợi đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo bảo vệ đường biên giới, các cột mốc H5, H6, H7 (nay là các cột mốc 331, 332, 333) chủ quyền của đất nước. Như một cơ duyên, chúng tôi được gặp già Hợi tại nhà văn hóa bản Cha Khót. Trong căn nhà sàn giữa đại ngàn, già say sưa kể cho chúng tôi về chuyện tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc. Bản Cha Khót có 53 hộ dân, với 214 nhân khẩu, 100% hộ dân đều là người dân tộc Thái. Bản có gần 8 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào.
Nhà của già Hợi cách đường biên giới khoảng 2 km. Sinh ra và lớn lên tại bản Cha Khót nên cuộc đời của già gắn liền với đường biên, cột mốc. Trong trí nhớ của già Hợi, từ thuở nhỏ già thường theo cha mẹ lên nương, làm rẫy. Mỗi lần như thế, già lại được cha mẹ giới thiệu về cột mốc H6 và đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay. Theo thời gian, già nhận thức được rằng, bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia. Với suy nghĩ như vậy, năm 1999, già đã xin Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và chính quyền địa phương được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Theo nguyện vọng của già Hợi, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã giao nhiệm vụ cho già bảo vệ đường biên và các cột mốc H5, H6, H7. Tuyến biên giới thuộc bản Cha Khót có địa bàn khá rộng, dân cư thưa thớt, việc đi lại khó khăn. Dẫu vậy, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” già Hợi vẫn không quản ngại trời nắng mưa, hàng ngày dẻo dai bộ hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc như một người lính biên phòng thực sự.
Già Hợi chia sẻ: “Mỗi khi đi vào rừng, trước tiên là tôi đến thăm, phát dọn xung quanh và lấy nước suối tắm rửa cho “đồng chí Cột mốc”. Xong công việc trở về nhà tôi đến báo cáo tình hình với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo”. Suốt 23 năm qua, già Hợi vẫn cần mẫn cứ chăm chút cho các cột mốc biên giới như chăm chút cho chính ngôi nhà của mình. Lúc thì phát quang cỏ dại, lúc lại bê từng tảng đá chắn đất quanh chân đế cột mốc để chống bị sạt lở. Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào, già Hợi đã tích cực vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong bản Cha Khót chung tay giúp cán bộ, chiến sĩ biên phòng thực hiện cắm mốc giới, vận chuyển vật liệu, làm đường để bảo vệ cột mốc. Đồng thời, già Hợi còn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, có khi lên tận nương rẫy để tuyên truyền cho bà con trong bản nắm vững vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi mình tự quản. Già thường ví von: “Bảo vệ đường biên, cột mốc cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy!”. Với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu ấy đã giúp người dân trong bản hiểu rõ trách nhiệm khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, từ đó góp một phần nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Với vai trò trách nhiệm là già làng, người có uy tín, già Hợi còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản Cha Khót xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù lao động, bằng việc xây dựng và phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Không những vậy, già còn gương mẫu, đi đầu trong công tác vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn, nhất là xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong tang ma. Đi liền với đó, hàng năm, già Hợi cùng với ban công tác mặt trận bản Cha Khót vận động bà con đóng góp tiền, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn, như tu sửa, nâng cấp đường giao thông, nhà văn hóa, góp phần vào việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống; xây mới, sửa chữa nhà ở để vươn lên trong cuộc sống, sớm thoát nghèo. Ngoài những đóng góp cho quê hương, già Hợi còn là một điển hình phát triển kinh tế của bản Cha Khót. Bên cạnh 5 ha đất rừng được giao khoán chăm sóc, bảo vệ và khai thác, già Hợi cùng với gia đình còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hàng năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Có cuộc sống khá hơn, già cũng không quên giúp đỡ bà con trong bản khi khó khăn, hoạn nạn.
Thầm lặng bảo vệ đường biên, cột mốc, việc làm tưởng rất đỗi nhỏ bé ấy của già Hợi lại chứa đựng biết bao tình yêu quê hương, đất nước và thật cao quý. Không chỉ xứng đáng là “cột mốc sống” ở vùng biên Na Mèo, mà già Hợi còn là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỗ dựa vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.