Giá LNG của Mỹ 'trên trời', châu Âu hụt hơi trước bài toán năng lượng

Một mặt, châu Âu phải bỏ chi phí cao hơn nhiều lần để đáp ứng nguồn cung khí đốt, mặt khác những vấn đề kỹ thuật và giá vẫn khiến người dân thiếu nhiên liệu.

Mùa đông đang đến, và châu Âu tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong việc bình ổn thị trường nhiên liệu, đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng và doanh nghiệp để tránh dẫn đến những tác động lớn hơn như làm trầm trọng lạm phát.

Một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Đức. (Ảnh: Getty)

Một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Đức. (Ảnh: Getty)

“Giá trên trời”

Trong quá trình giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, một trong những nguồn cung thay thế mà các nước châu Âu có thể tìm đến là Mỹ. Tuy nhiên chi phí mà họ phải trả để mua mỗi mét khối khí đốt từ Mỹ cao hơn rất nhiều.

Người phát ngôn điện Kremlin hôm 9/10 cho rằng người Mỹ đang “điên cuồng kiếm tiền” bằng cách bán khí đốt cho châu Âu với giá cao quá mức, “gấp ba bốn lần” giá khí đốt Nga. Ông nói thêm rằng “khi trả tiền mua khí đốt như vậy, châu Âu khiến nền kinh tế của mình trở nên kém cạnh tranh hơn”.

Theo CNBC, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 5/10 cáo buộc Mỹ và các nước cung cấp khí đốt khác đang bán khí đốt với giá “trên trời”. Ông cho rằng một số nhà cung cấp đang cố ý kiếm lợi nhuận từ việc giá năng lượng toàn cầu tăng - tác động của xung đột Nga-Ukraine.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo châu Âu có thể sớm phải đối mặt với tình cảnh các ngành công nghiệp hoạt động cầm chừng, cũng như bất ổn xã hội, nếu các nhà chức trách không làm gì để hạ giá năng lượng.

Trong khi đó, theo Reuters, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ hiện xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên sang EU hơn Nga, nhưng khí đốt của Mỹ đắt gấp 10 lần khí đốt Nga.

Ai hưởng lợi?

Theo Forbes, một chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết cả chính phủ Mỹ và các nhà khai thác khí đốt đều không chịu trách nhiệm chính về mức giá cao mà châu Âu đang phải trả để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Anna Mikulska, nhà nghiên cứu địa chính trị khí tự nhiên, cho biết giá xuất phát từ phản ứng của người bán đối với thị trường.

“Mỹ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn của châu Âu, nhưng giá cao không phải là vì nhà sản xuất của Mỹ. Đó là vì các công ty mua lại khí đốt từ các nhà sản xuất Mỹ, và họ thường chỉ bán ra với mức giá cao nhất”.

Thực tế, theo Nasdag, giá khí đốt bán buôn của Anh và Hà Lan sáng 10/10 đã giảm do nhập khẩu LNG tăng mạnh và sản lượng từ các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp đã giúp xoa dịu nhu cầu thị trường.

Người dân đau đầu

Điều khá bi hài là dù chính phủ các nước châu Âu đã phải bỏ ra hàng tỷ USD mua khí đốt từ mọi nguồn có thể, nhưng người dân của họ chưa chắc đã tiếp cận được nguồn năng lượng này.

Hơn một phần tư trạm xăng ở Pháp hết hàng do các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu. (Ảnh minh họa)

Hơn một phần tư trạm xăng ở Pháp hết hàng do các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu. (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy người dân nhiều nước châu Âu liên tục gặp phải các vấn đề về thiếu nhiên liệu trong thời gian gần đây.

Theo MSN, hơn một phần tư trạm xăng ở Pháp hết hàng, hoặc hết ít nhất một loại nhiên liệu, do các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu đang gây ra hỗn loạn trên toàn khu vực eo biển Anh (Eo biển Manche).

Tính đến giữa trưa ngày 10/10, trong số hơn 11.100 trạm đổ xăng ở Pháp, 2.093 trạm không có nhiên liệu trong khi 1.101 trạm khác hết một loại nhiên liệu.

Khách du lịch đến Pháp đang được cảnh báo về tình trạng thiếu nhiên liệu diện rộng và phải đảm bảo rằng họ đổ đầy bình trước khi vào nước này.

Các nhà máy lọc dầu của Pháp thắt chặt nguồn cung dẫn đến việc xếp hàng dài tại các cơ sở bán nhiên liệu trên khắp cả nước. Điều này cũng được dự đoán sẽ đẩy giá xăng và dầu diesel ở Anh lên cao hơn.

Tình trạng thiếu nhiên liệu được ước tính ảnh hưởng đến hơn 3.000 người trên khắp nước Pháp.

Tại một số nước châu Âu, người dân chật vật để giữ ấm. Họ trở về với những cách làm truyền thống nhất: đốt củi. Giá gỗ nén đã tăng gần gấp đôi lên 600 euro/tấn ở Pháp và có dấu hiệu cho thấy nhiều người đang mua tích trữ mặt hàng cơ bản này. Hungary thậm chí còn cấm xuất khẩu gỗ nén, Romania trong khi đó giới hạn giá củi trong sáu tháng. Để mua bếp củi, hiện người dân có thể mất hàng tháng trời chờ đợi.

Bên cạnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt, cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm gia tăng chi phí sinh hoạt, với lạm phát khu vực đồng euro lần đầu tiên chạm mức hai con số vào tháng 9. Các hộ gia đình khắp khu vực ngày càng phải đối mặt nhiều với việc lựa chọn giữa hệ thống sưởi và các thiết bị cần thiết khác.

Roger Sedin, người đứng đầu bộ phận chất lượng không khí tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi lo rằng mọi người sẽ đốt những thứ họ có thể đốt. Chúng tôi có thể thấy mức độ ô nhiễm rất cao khi một số người không biết cách đốt gỗ đúng”.

Sự thiếu kinh nghiệm cũng thể hiện rõ ở Đức. Hiệp hội những người làm về ống khói của quốc gia này đang giải quyết rất nhiều yêu cầu kết nối bếp mới và bếp cũ, đồng thời khách hàng đang hỏi về việc đốt phân ngựa và các loại nhiên liệu khác.

Ngoài ra còn có dấu hiệu của việc tích trữ quá mức. Tại Pháp, Frederic Coirier, giám đốc điều hành Poujoulat SA, công ty sản xuất ống khói và nhiên liệu gỗ, cho biết một số khách hàng mua hai tấn viên gỗ nén, trong khi thông thường một ngôi nhà trong một năm chỉ cần chưa đến một tấn loại nhiên liệu này.

Phương Anh(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-lng-cua-my-tren-troi-chau-au-hut-hoi-truoc-bai-toan-nang-luong-ar706540.html