Gia Lộc chủ động phương án xử lý nhà đất dôi dư

Để tránh lãng phí và tạo nguồn lực xây dựng một số công trình, huyện Gia Lộc đã xây dựng, đề xuất phương án xử lý diện tích nhà đất dôi dư trên địa bàn.

Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Yết Kiêu phải chung phòng làm việc

Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Yết Kiêu phải chung phòng làm việc

Cụ thể

Theo thống kê của UBND huyện Gia Lộc, hiện có 9 xã, thị trấn, cơ quan có nhà đất cần sắp xếp, xử lý với diện tích 20.328 m2 đất và một số công trình trên đất. Ngoài ra, còn 3 doanh nghiệp là Công ty CP Lương thực miền Bắc, Kho dự trữ quốc gia và Công ty CP Xuất nhập khẩu Hải Dương được giao sử dụng, cho thuê 15.427m2 đất nhưng không hiệu quả cần được sắp xếp lại. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Lộc cho biết: "Với mỗi diện tích dôi dư và nhà trên đất, huyện Gia Lộc đều xây dựng phương án xử lý cụ thể nhằm khai thác tốt nhất các công trình. Hiện nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng do hàng chục năm không sử dụng. Nếu không xử lý sẽ lãng phí, trong khi địa phương đang cần nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng các công trình khác".

UBND huyện Gia Lộc đã đề nghị được chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với cửa hàng số 1, số 2 của Trạm Thú y cũ, Trường Mầm non thôn Tam Lương (xã Tân Tiến), nhà mẫu giáo thôn Bình Đê (xã Gia Khánh), nhà mẫu giáo cũ xã Nhật Tân, nhà văn hóa thôn Nhân Lý (xã Hồng Hưng), trụ sở UBND xã Trùng Khánh cũ, nhà văn hóa thôn Vân Độ (xã Yết Kiêu), một phần trụ sở UBND xã Phương Hưng cũ, nhà mẫu giáo thôn Đông Hào, Hậu Bổng (xã Quang Minh). Các công trình nhà mẫu giáo thôn Đỗ Xuyên, Đồng Cầu (Quang Minh), nhà mẫu giáo thôn Bái Thượng, Buộm (Toàn Thắng), trụ sở UBND xã Gia Hòa cũ được chuyển thành sân thể thao, đất đình làng, đất văn hóa, giáo dục...

Kho dự trữ quốc gia đã xuống cấp

Kho dự trữ quốc gia đã xuống cấp

Mong muốn sớm được xử lý
Sau khi sáp nhập 3 xã Trùng Khánh, Gia Hòa, Yết Kiêu thành xã Yết Kiêu, 30 cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách, 8 công an chính quy của xã đều tập trung làm việc tại trụ sở UBND xã Yết Kiêu cũ. Trụ sở được xây dựng năm 2010 trên diện tích 710 m2, tổng khuôn viên rộng 5.700 m2. Hiện nay, trụ sở UBND xã chật hẹp, không đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc khi 1 phòng phải bố trí nhiều đoàn thể cùng chung một phòng làm việc như Hội Nông dân chung phòng với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh chung phòng với Đoàn Thanh niên... "Mỗi lần họp, chúng tôi lại phải thông báo cho Đoàn Thanh niên để họ sắp xếp, bố trí làm việc ở phòng khác. Khi có khách đến chúng tôi cũng phải tiếp ngay trong phòng, rất bất tiện, ảnh hưởng đến công việc của người khác'', ông Vũ Xuân Biên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yết Kiêu chia sẻ.

Theo ông Trần Đình Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu, nếu được phép chuyển đổi diện tích đất trụ sở UBND xã Trùng Khánh cũ, xã Yết Kiêu sẽ có nguồn kinh phí để xây dựng, cải tạo lại trụ sở cho rộng rãi, bảo đảm đủ phòng làm việc cho các bộ phận, đoàn thể. "Chúng tôi mong tỉnh sớm xem xét, giải quyết việc xử lý 2 trụ sở dôi dư tại địa phương để có kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mở rộng một số công trình. Địa phương phấn đấu đến năm 2024 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nên cần nhiều kinh phí", ông Trần Đình Biên nói.

Sau khi sáp nhập về thị trấn Gia Lộc, trụ sở UBND xã Phương Hưng cũ hiện cũng không sử dụng. UBND huyện Gia Lộc cũng đề xuất sẽ điều chuyển gần 940 m2 để xây trụ sở làm việc của Công an thị trấn Gia Lộc, gần 3.000 m2 đất còn lại sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành đất đô thị. "Diện tích này nằm liền kề với khu đô thị phía tây của thị trấn. Nếu được chuyển đổi sẽ góp phần mở rộng khu đô thị, tạo diện mạo khang trang cho thị trấn. Nguồn kinh phí sẽ được sử dụng xây dựng trụ sở làm việc của thị trấn bởi trụ sở này xây từ năm 2000 hiện phòng làm việc đã chật hẹp, xuống cấp", ông Đoàn Văn Long, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết.

NGỌC THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/gia-loc-chu-dong-phuong-an-xu-ly-nha-dat-doi-du-209736