Yên Dũng: Gỡ khó khi sáp nhập địa giới hành chính

Sáp nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang là chủ trương lớn của T.Ư và tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng không gian phát triển đô thị. Bên cạnh đó cũng nảy sinh những khó khăn như: Tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công...

TP Bắc Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tuy nhiên diện tích tự nhiên nhỏ (66,55 km2). Để đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I đòi hỏi phải mở rộng không gian phát triển. Trong khi đó huyện Yên Dũng với diện tích tự nhiên lớn (191,74 km2), có nhiều tiềm năng phát triển cả về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ-thương mại, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao... Tuy nhiên, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay của Yên Dũng làm hạn chế khả năng đột phá của địa phương.

 Người dân huyện Yên Dũng bỏ phiếu bày tỏ đồng thuận cao về sáp nhập.

Người dân huyện Yên Dũng bỏ phiếu bày tỏ đồng thuận cao về sáp nhập.

Khi được gắn kết với TP Bắc Giang sẽ “đánh thức” tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Theo Đề án tỉnh vừa trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi sáp nhập, TP Bắc Giang sẽ có diện tích tự nhiên là 258,29 km2, dân số hơn 373 nghìn người, trụ sở làm việc là TP Bắc Giang hiện nay.

Đây là cơ sở, điều kiện để TP thực hiện quy hoạch chung để trở thành đô thị loại I trong tương lai gần. Qua đó, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phù hợp với định hướng đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, TP đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, sau sáp nhập sẽ nảy sinh những vấn đề khó khăn về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Việc giải quyết trụ sở công dôi dư (trụ sở UBND, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà đa năng các trường học…) gặp khó khăn do khó chuyển đổi công năng sử dụng hoặc nếu chuyển đổi phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; nếu chuyển đổi sang đất ở, đất kinh doanh thì khó thu hút nhà đầu tư...

Trước thực tế này, huyện Yên Dũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân hiểu đúng, hiểu rõ về sự cần thiết của việc sáp nhập; làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tạo sự đồng thuận cao. Các cơ quan có thẩm quyền rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức đến làm thủ tục sau khi sáp nhập. Cơ quan hành chính các cấp tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan.

 Cán bộ bộ phận một cửa huyện Yên Dũng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ bộ phận một cửa huyện Yên Dũng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Theo tính toán trước khi sáp nhập, số lượng cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng, UBND, MTTQ, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp của TP Bắc Giang là 227 người, của huyện Yên Dũng là 192 người. Sau sáp nhập, TP Bắc Giang (mới) có 419 người. Riêng về lãnh đạo cấp phòng thuộc UBND có 72 cán bộ lãnh đạo (gồm 23 trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng UBND và HĐND và 49 cấp phó).

Theo Bộ Nội vụ, việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Khi sáp nhập số được bố trí theo quy định là 36 người gồm: 12 trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng UBND và HĐND và 24 cấp phó. Số dôi dư là 36 người gồm: 11 cấp trưởng và 25 cấp phó. Phương án sắp xếp dự kiến là trừ số nghỉ hưu, nghỉ công tác và chuyển công tác khác, số còn lại tiếp tục bố trí làm cấp phó tại các cơ quan chuyên môn ở TP Bắc Giang hoặc cơ quan, đơn vị khác trong tỉnh có vị trí chuyên môn phù hợp.

Hay như các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND, tổng biên chế sau khi sáp nhập có 41 cán bộ lãnh đạo gồm 11 cấp trưởng và 30 cấp phó. Số được bố trí theo quy định là 21 người, gồm 6 cấp trưởng, 15 cấp phó. Số dôi dư là 20 người, gồm 5 cấp trưởng, 15 cấp phó. Trừ số nghỉ hưu, nghỉ công tác và chuyển công tác khác sẽ tiếp tục bố trí làm cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP hoặc các cơ quan, đơn vị khác trong tỉnh có vị trí chuyên môn phù hợp.

Đối với cấp xã, tính đến thời điểm hiện tại, huyện Yên Dũng có duy nhất xã Lão Hộ sáp nhập vào thị trấn Tân An để phát triển thành phường Tân An (mới) có tổng diện tích tự nhiên là 13,82 km2, dân số hơn 16.300 người. Đồng chí Nguyễn Xuân Khanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lão Hộ cho biết: “Xã có 21 cán bộ, công chức, trong đó có 3 đồng chí không trong độ tuổi tái cử sẽ được vận động nghỉ hưu trước tuổi”. Còn lại các cán bộ, công chức khác sau khi sắp xếp tại phường Tân An, số còn lại có thể được bố trí tại các phường, xã có vị trí phù hợp.

Sau sắp xếp sẽ dôi dư trụ sở làm việc xã Lão Hộ hiện tại. Phương án tỉnh đưa ra là bố trí đất hỗn hợp để quy hoạch khu thương mại, dịch vụ, đất ở và tổ chức bán đấu giá. Các trụ sở công dôi dư khác trên địa bàn huyện, cơ quan chức năng sẽ tính toán sử dụng hoặc chuyển đổi công năng theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-dung-go-kho-khi-sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-093159.bbg