Giá lợn hơi tăng mạnh, đạt đỉnh 5 năm

Thông thường giá lợn hơi xuất chuồng giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh. Thế nhưng năm nay thị trường thịt lợn hơi diễn biến trái quy luật, hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng kg so với hồi mùa xuân và hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua…

Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn.

Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn.

Từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 4/2024, thương lái mua lợn hơi tại chuồng nuôi của nông dân với giá từ 58.000 – 60.000 đồng/kg. Từ giữa tháng 4 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng tăng rất mạnh.

Theo các hệ thống khảo sát giá nông sản, riêng trong ngày 27/5/2024, giá lợn hơi tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg so với ngày trước đó và đã đạt đỉnh 5 năm, ở mức 68.000-69.000 đồng/kg.

GIÁ LỢN HƠI TĂNG TRÁI QUY LUẬT

Tính đến sáng 28/5/2024, các hệ thống khảo sát giá nông sản cho biết giá lợn hơi tại miền Bắc giảm nhẹ 1.000 đồng/kg sau chuỗi ngày dài tăng giá. Theo đó, ba tỉnh Bắc Giang, Hà Nam và Hà Nội cũng điều chỉnh xuống mức 68.000 đồng/kg - ngang với Yên Bái, Lào cai, Nam Định và Ninh Bình. Các tỉnh thành còn lại, giao dịch lợn hơi ở mức cao nhất 69.000 đồng/kg - không đổi so với sáng hôm qua (24/5).

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên chứng kiến giá heo (lợn) hơi đi ngang so với ngày hôm qua, hiện mức giá cao nhất khu vực là 69.000 đồng/kg ghi nhận tại Lâm Đồng. Thấp hơn một giá là khu vực tỉnh Bình Thuận, với mức ổn định 68.000 đồng/kg.

Khác với các miền trên, giá heo hơi miền Nam tiếp tục tăng nhẹ 1.000 đồng/kg ở nhiều nơi: tại Kiên Giang và Đồng Nai lần lượt điều chỉnh lên mức 69.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Hiện, tỉnh Đồng Nai là khu vực có giá heo hơi cao nhất toàn quốc.

"Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ tạm ngưng không tái đàn do thua lỗ trong năm ngoái; tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào để hồi phục chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường".

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết giá thành chăn nuôi lợn hiện nay là 55.000 đồng/kg. Với giá xuất chuồng cao vào thời điểm này, lãi 12.000 -15.000 đồng/kg lợn hơi, mỗi đầu lợi hơi xuất chuồng (100 kg) cho người chăn nuôi lợi nhuận 1,2- 1,5 triệu đồng.

Nhờ giá lợn tăng cao, doanh thu thuần của BAF trong quý 1/2024 tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.292 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp đạt 172 tỷ đồng, tăng mạnh 172% so với cùng kỳ năm trước.

“Sản lượng heo xuất chuồng của BAF trong quý 1 đạt hơn 100.000 con, đánh dấu thời điểm có sản lượng cao nhất lịch sử Công ty. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi”, ông Bá chia sẻ.

Lý giải về hiện tượng giá lợn đang tăng trái quy luật tiêu dùng giảm vào mùa hè, ông Đỗ Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết do suốt năm 2023, giá lợn hơi quá thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng lợn nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu.

Phân tích cụ thể hơn, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng năm ngoái giá lợn hơi xuất chuồng bình quân chỉ ở ngưỡng 48.000-52.000 đồng/kg, nông dân lỗ 5.000 đồng/kg. Theo ước tính, ở quy mô trang trại, chi phí chăn nuôi lợn vào khoảng 55.000 đồng/kg trở lên, còn chăn nuôi nông hộ khoảng 60.000 đồng/kg. Chăn nuôi trong năm ngoái, cứ 1 con lợn xuất chuồng, hộ nông dân phải chịu lỗ từ 5-10 triệu đồng. Nhiều hộ nuôi cả nghìn con lợn, lỗ hàng tỷ đồng, không còn vốn để tái đàn.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2024, đàn heo của tỉnh chỉ còn 2.083,2 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn heo giảm là do giá heo hơi ở mức thấp (tuy có tăng nhưng không nhiều), chi phí đầu vào tăng cao và chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện đang cao so với trước dẫn đến nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo” chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ.

KIẾN NGHỊ LÙI THỜI GIAN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH TRONG CHĂN NUÔI

Nhận định về tình hình chăn nuôi lợn thời điểm này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết đang rất thuận lợi, cùng với giá đầu ra tăng thì giá thức ăn chăn nuôi đang giảm. Cụ thể, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý 1/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch Covid-19”, ông Chinh phân tích.

"Hiện nay số lượng các tổ chức dịch vụ và chuyên gia trong nước có đủ trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn việc kiểm kê và các biện pháp kiểm soát khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi rất ít, cần có thời gian để đào tạo".

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.

Vừa qua, Hội Chăn nuôi Việt Nam có công văn số 51/CV-HCN về việc tham gia góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã nhận được Văn bản số 2526/BTNMT-BĐKH, ngày 19/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có nội dung bổ sung lĩnh vực và cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà nước ta đã cam kết thực hiện.

Tuy nhiên, so với các nước công nghiệp phát triển thì không gian giảm phát thải nhà kính của Việt Nam còn khá rộng, có nhiều lĩnh vực có thể tham gia, đảm bảo để Việt Nam sẽ đạt được những cam kết về giảm phát thải nhà kính, như công nghiệp khai khoáng, luyện thép, xây dựng, giao thông, trồng rừng, canh tác lúa…Trong khi sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn so với các ngành kinh tế khác và so với chính lĩnh vực chăn nuôi của các nước phát triển.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp, thiếu khả thi, chưa có sự chia sẻ của Nhà nước với lĩnh vực đang gặp quá nhiều rủi ro trong hội nhập, khi mà hầu hết các nước trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, như: CPTPP, EVFTA, Việt Nam - Hoa Kỳ…đều là những nước có điều kiện và không gian phát triển chăn nuôi thuận lợi hơn rất nhiều so với chăn nuôi nước ta.

"Nếu ngành chăn nuôi thực hiện các quy định này, sẽ phát sinh chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển. Chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, thì hằng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng", Hiệp hội chăn nuôi nêu rõ .

Từ những lý do đó, Hội Chăn nuôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng là từ nay tới năm 2027. Việc lùi thời hạn này để người chăn nuôi có thêm thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-lon-hoi-tang-manh-dat-dinh-5-nam.htm