Giá lợn hơi thấp nhưng giá thịt vẫn cao

ĐBP - Hơn một tháng trở lại đây, giá lợn hơi trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng giảm sâu, trong khi giá thức ăn tăng cao, khiến nhiều hộ chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Nghịch lý là giá lợn hơi giảm thấp, nhưng giá thịt lợn thương phẩm tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vẫn cao, người tiêu dùng đang phải mua ở mức từ 90.000 - 150.000 đồng/kg tùy từng loại thịt.

Thời gian qua, giá lợn hơi xuống thấp nên nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ. Trong ảnh: Người dân xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) chăm sóc đàn lợn.

Từ cuối tháng 9 đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Qua khảo sát tại các hộ chăn nuôi, hiện nay giá thịt lợn hơi dao động ở mức từ 40.000 - 53.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Người chăn nuôi hết sức lo lắng vì giá lợn hơi không ngừng giảm, trong khi đó chi phí chăn nuôi tăng cao, khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ thua lỗ; nhiều hộ chăn nuôi đang có ý định tái đàn lợn nhưng đang cân nhắc, lưỡng lự trong việc tái đàn.

Chấp nhận lỗ để xuất bán lợn thịt nhưng cũng ít có người mua, đó là tình cảnh chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) những ngày qua sốt ruột, lo lắng, bởi đàn lợn của gia đình đã đến kỳ xuất chuồng nhưng giá lợn hơi lại xuống thấp. Theo chị Thủy, thời điểm này bán sẽ lỗ nhiều, nhưng không bán để nuôi cần chi phí lớn, chưa chắc thời gian tới giá lợn hơi được cải thiện. Với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn nếu tính cả công chăm sóc hoặc trong quá trình nuôi bị hao hụt đầu con.

Anh Vừ Trùng Phùa, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đang duy trì đàn lợn gần 50 con gồm lợn sinh sản và lợn thịt. Riêng số lợn thịt đến thời gian xuất bán là trên 30 con nhưng thương lái chỉ đồng ý thu mua ở mức giá 45.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Phùa, chi phí trung bình nuôi một con lợn đến lúc xuất bán khoảng 5 tháng (đạt 1 tạ/con), mất hơn 4 triệu đồng (gồm lợn giống, thức ăn, vắc xin, điện, nước; chưa tính công chăm sóc). Thế nhưng, với giá lợn hơi như hiện nay thì bình quân mỗi con lợn đạt 1 tạ, bán ra cũng chỉ được từ 4 - 5 triệu đồng/con/tạ, may thì hòa vốn không thì lỗ. Với những người nuôi lợn nái chủ động được nguồn con giống thì còn đỡ, nhưng với những hộ không chủ động được con giống, thiếu vốn đầu tư càng thua lỗ nặng hơn.

Thế nhưng có một nghịch lý là mặc dù giá lợn hơi giảm sâu nhưng hiện nay, giá thịt lợn thương phẩm bán ở các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vẫn không hề giảm, thậm chí còn tăng. Điều này khiến không chỉ người chăn nuôi chịu thua lỗ mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi phải mua với giá cao. Theo khảo sát tại một số cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ thì mức giá thịt lợn dao động từ 90 - 150 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào các loại thịt (có giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá lợn hơi). Chị Nguyễn Thị L. tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Lợn hơi rẻ nhưng vào chợ thì không còn rẻ nữa vì mất rất nhiều chi phí như vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch, vệ sinh... nên giá lợn hơi dù xuống thấp nhưng giá thịt lợn vẫn cao. Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh, vận chuyển, tìm người lao động rất khó khăn nên giá bị đẩy lên.

Theo tìm hiểu tại các cơ quan chức năng, lý do giá lợn hơi giảm nhưng thịt lợn bán ở các chợ không giảm, bởi qua nhiều khâu trung gian nên giá được đẩy lên cao. Thường sau khi thương lái gom lợn của người dân nhập cho các lò mổ đã tăng giá; từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương cũng tăng vài giá và tiểu thương khi bán đến người tiêu dùng cũng phải tăng giá. Việc lưu thông, vận chuyển thịt lợn cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và mất nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải “gánh” một phần giá lớn từ các khâu trung gian. Cùng với đó, sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, ổn định, nhiều hộ gia đình đã đầu tư tái đàn, dẫn đến cung vượt cầu đã tác động đến giá lợn hơi xuất bán.

Tính đến hết tháng 9, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hơn 300.735 con lợn. Nguồn cung vượt cầu là nguyên nhân tất yếu dẫn đến giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, hơn nữa việc tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường tự do nên rất khó có thể điều tiết. Trước việc giá lợn hơi xuất chuồng giảm thấp như hiện nay, người chăn nuôi cần theo dõi thị trường, tính toán hợp lý khi quyết định xuất bán, nhất là tái đàn; đồng thời, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, liên kết hợp tác bao tiêu sản phẩm, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, giúp chăn nuôi duy trì ổn định, hạn chế thua lỗ trong điều kiện khó khăn khi giá bán lợn thịt xuống thấp và đây là điều kiện để có thể phát triển chăn nuôi trở lại khi giá tăng trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp người nông dân tháo gỡ khó khăn mà còn tạo hình thức chăn nuôi bền vững, ổn định lâu dài.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191554/gia-lon-hoi-thap-nhung-gia-thit-van-cao