Giá lợn tăng cao đột biến - nguyên nhân do đâu?

Những ngày gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng có nơi tăng lên tới 70.000-75.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên tới 78.000 đồng/kg, tăng khá nhiều so với mức chỉ hơn 50.000 đồng/kg cách đây vài tháng. Nguyên nhân nào giá lợn tăng cao, liệu có đủ nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm và dịp Tết Canh Tý sắp tới? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu về vấn đề này.

Giá lợn tăng cao do tâm lý

Hôm qua (14-11), cung cấp thông tin cho phóng viên, lý giải về tình trạng giá thịt lợn hơi tăng cao những ngày gần đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến đàn lợn bị sụt giảm. Tính đến nay, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở 8.400 xã trong cả nước, khiến khoảng 5,8 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng khoảng 350.000 tấn, chiếm khoảng 8,5% tổng khối lượng lợn của cả nước. Hiện, có 5.000 xã dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn quý IV hằng năm thường tăng cao so với các thời điểm khác trong năm. Giá lợn những ngày qua phổ biến ở khoảng 58.000-65.000 đồng/kg, còn giá lợn lên 70.000 đồng/kg là không phổ biến mà chỉ xuất hiện cục bộ ở một số nơi, ở những hộ giết mổ nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Xuân Dương dẫn chứng, hiện nay Tập đoàn Mavin chỉ bán với mức giá 64.000-65.000 đồng/kg lợn hơi nhưng chỉ bán buôn không bán lẻ nên các hộ tiểu thương giết mổ nhỏ, lẻ không thể tiếp cận nguồn lợn này nếu chỉ mua 1-2 con lợn. Mặc dù bị ảnh hưởng bệnh DTLCP nhưng tổng nguồn cung lợn hiện nay không thiếu nhiều như tâm lý của một số tiểu thương và các hộ giết mổ lợn nhỏ, lẻ lo ngại. Do thiếu thông tin, nên đã xuất hiện việc tiểu thương đẩy giá lợn tăng lên tới 75.000 đồng/kg, thậm chí 78.000 đồng/kg, mang tính cục bộ.

 Nhà máy chế biến, giết mổ lợn tại tỉnh Hà Nam của Tập đoàn Masan.

Nhà máy chế biến, giết mổ lợn tại tỉnh Hà Nam của Tập đoàn Masan.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin chia sẻ: "Lượng lợn ở Việt Nam không đến mức thiếu trầm trọng như tâm lý của một số người. Vì giá thành sản xuất tăng lên do giá thức ăn, chi phí kiểm soát dịch bệnh, khiến giá bán thịt lợn có tăng lên so với trước khi có bệnh DTLCP. Nhưng tôi nghĩ nếu không bị vấn đề về tâm lý thì giá thịt lợn sẽ không tăng quá cao".

Ông Kiều Đình Thép, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho hay: "Hiện nay, công ty chúng tôi cung cấp ra thị trường Hà Nội và miền Bắc khoảng 3.500-4.000 con lợn/ngày. Riêng thị trường Hà Nội chiếm khoảng 20% số lượng lợn này với 300 khách hàng. Giá lợn do công ty bán ra thị trường giao động 59.000-67.000 đồng/kg. Tuy nhiên, công ty chỉ chủ yếu cung cấp cho khách hàng thường xuyên, còn bán cho khách hàng không thường xuyên, khách hàng mới thì với số lượng ít hơn".

Đẩy mạnh tái đàn nhưng phải bảo đảm an toàn sinh học

Về giải pháp tăng nguồn cung thịt lợn thời gian tới, đặc biệt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, từ nay đến cuối năm giá thịt lợn tăng là một xu hướng do nhu cầu thị trường tăng. "Nếu thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ và Bộ NN&PTNT thì giá lợn sẽ tăng nhưng không tăng đột biến", ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá. Cũng theo ông Dương, mặc dù nguồn cung thịt lợn không thiếu nhiều, thế nhưng người tiêu dùng cũng nên thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang sử dụng bổ sung các loại thịt gia cầm, thủy sản. Việt Nam chắc chắn phải chung sống với bệnh DTLCP thêm một thời gian nữa, vì đến nay chưa có vắc-xin phòng, chống dịch bệnh này. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc tái đàn để tăng lượng thịt lợn phục vụ thị trường nhưng tái đàn phải kiểm soát được dịch bệnh bằng việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (sử dụng vôi bột và các chế phẩm vi sinh).

Việc đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn là giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), lúc đầu tái đàn chỉ nên nuôi khoảng 10% công suất trong vòng một tháng để theo dõi. Sau đó, mới tăng công suất chăn nuôi, đặc biệt là phải thực hiện việc chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng con giống có nguồn gốc, xuất xứ bảo đảm chất lượng. Ở những địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ DTLCP có thể thực hiện việc tái đàn nhưng đề nghị các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi an toàn sinh học theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT để ngăn ngừa dịch bệnh. Đây là giải pháp tốt nhất hiện nay. Đối với những loại dịch bệnh đã có vắc-xin thì phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa. Như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ và phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn hiện nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gia-lon-tang-cao-dot-bien-nguyen-nhan-do-dau-599936