Giá lúa gạo đông xuân sụt giảm, nông dân gặp bất lợi

Giá lúa, gạo đông xuân sớm 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bất ngờ giảm mạnh, trong khi thương lái đặt cọc trước với giá cao hơn nên tình trạng bẻ kèo, ép nông dân giảm giá bán đã xảy ra…

Nông dân bị thương lái ép giảm giá lúa đông xuân sớm 2023-2024. Ảnh: Trung Chánh

Nông dân bị thương lái ép giảm giá lúa đông xuân sớm 2023-2024. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến giữa tháng 1-2024, vụ đông xuân 2023-2024, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giồng được khoảng 952.000 héc ta trên tổng diện tích kế hoạch là 1,475 triệu héc ta. Trong đó, có trên 175.000 héc ta diện tích lúa đông xuân sớm đã thu hoạch, tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang. Tuy nhiên, hiện tình trạng thương lái bẻ kèo, ép nông dân giảm giá bán đã xảy ra…

Thương lái bỏ cọc nếu nông dân không giảm giá

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thương, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, một nông dân sản xuất lúa cho biết, cách đây hơn nửa tháng, thông qua cò- người đại diện của thương lái – ở địa phương, thương lái đồng ý mua lúa của nông dân (giống Đài Thơm 8 – PV) với giá 190.000 đồng/giạ (1 giạ lúa 20 kg, tương đương mức giá 9.500 đồng/kg- PV) đối với lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Theo ông Thương, hợp đồng mua bán được xác lập khi cò đặt tiền cọc cho nông dân với mức phí 200.000 đồng/công (1.000 m2), tương đương 2 triệu đồng/héc ta. “Tuy nhiên, đến khi thu hoạch (lúa đã thu hoạch vào ngày 22-1-2024 – PV), lúa được đưa ra bến, thì thương lái và cò yêu cầu giảm 5.000 đồng/giạ (tương đương 250 đồng/kg) mới lấy lúa theo hợp đồng, còn không họ chấp nhận bỏ số tiền đã đặt cọc trước đó”, ông Thương cho biết.

Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, ông Thương cho biết, nông dân buộc lòng phải chấp nhận theo yêu cầu của thương lái, tức giảm giá bán xuống còn 185.000 đồng/giạ, tương đương còn 9.250 đồng/kg.

Tương tự trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân sản xuất lúa ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xác nhận, ông và nhiều hộ nông dân khác trong vùng phải chấp nhận giảm 7.000 đồng/giạ (tương đương 350 đồng/kg) theo yêu cầu của cò và thương lái. “Không giảm giá, thì họ bỏ cọc”, ông nói và cho biết, giá lúa thị trường hiện đã quay đầu giảm so với thời điểm thương lái đặt tiền cọc, cho nên, nếu lấy tiền cọc của lái trước (lái trước bỏ tiền đã đặt cọc- PV) và bán cho lái khác ở thời điểm hiện tại với mức giá mới cũng không hiệu quả hơn.

Ông Vũ Phước Hậu, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang- một thương lái mua lúa- xác nhận, trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây, giá lúa ở ĐBSCL đã quay đầu giảm khoảng 500-700 đồng/kg, xuống còn khoảng 9.200-9.400 đồng/kg đối với lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (lúa thơm).

Còn báo giá lúa gạo thị trường nội địa của một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường lúa gạo cho thấy, lúa tươi IR 50404 hiện có giá chỉ còn 8.600-8.700 đồng/kg; OM 5451 có giá 9.200-9.400 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 9.400-9.500 đồng/kg. Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá chỉ còn 12.600-12.800 đồng/kg; OM 5451 là 13.100-13.200 đồng/kg và Đài Thơm 8 là 13.600-13.700 đồng/kg.

Trao đổi với KTSG Online, một cò mua lúa ở khu vực huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (xin không nêu tên) thừa nhận, việc đặt tiền cọc ở mức thấp (200.000 đồng/công) nhằm giúp thương lái chủ động ứng phó khi giá thị trường biến động, mà cụ thể là khi giá lúa sụt giảm sẽ đặt điều kiện đàm phán giá mới với nông dân.

Theo ông Thương, vụ lúa đông xuân sớm 2023-2024 được ông thu hoạch có năng suất 40 giạ/công, tương đương 8 tấn/héc ta. “Như vậy, mỗi héc ta cho doanh thu 74 triệu đồng, tương đương đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/héc ta”, ông tính toán.

Nguy cơ rủi ro, bất lợi của thị trường

Số liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 1-2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 194.000 tấn, với trị giá xuất khẩu trên 134,5 triệu đô la Mỹ, giảm 32.000 tấn về lượng, nhưng tăng khoảng 20 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đồng nghĩa, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 693 đô la Mỹ/tấn, tăng đáng kể so với mức giá bình quân của năm 2023 là khoảng 578 đô la Mỹ/tấn.

Ở thời điểm hiện tại, thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với mức giá 652-656 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm là 617-621 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm là 737-741 đô la Mỹ/tấn.

Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL không muốn nêu tên cho biết, Philippines- thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam- hiện đang trả giá mua gạo của Việt Nam thấp hơn so với mức giá chào bán nêu trên.

Chẳng hạn, giá mong muốn của các nhà nhập khẩu Philippines đối với phân khúc gạo thơm của Việt Nam ở mức chỉ 670-680 đô la Mỹ/tấn (giá FOB), tức thấp hơn khá nhiều so với giá chào xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc công ty lương thực Vạn Lợi cho rằng, nhu cầu thu mua của các nhà kho đang chậm, cho giá thấp, thậm chí một số nhà kho đang ngưng mua vào…, chính là nguyên nhân khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm trong những ngày qua.

Còn ông Hậu, thương lái ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho rằng, chất lượng gạo thời điểm hiện nay xấu cũng là một phần nguyên nhân có tác động góp phần khiến việc tiêu thụ, giá cả lúa gạo “đi xuống”.

Ngoài ra, việc thị trường Philippines bắt đầu vụ thu hoạch mới, trong khi Indonesia, quốc gia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024, đang bị nông dân biểu tình để phản đối việc gia tăng nhập khẩu gạo của nước này cũng là những nguyên nhân “làm xấu hơn” tình hình thị trường ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Trước những yếu tố bất lợi nêu trên, một số dự báo cho rằng, nhiều khả năng giá lúa trong nước sẽ có thể còn “rớt” tiếp, thậm chí xuống dưới mức giá 8.500 đồng/kg, tức tiếp tục giảm thêm đáng kể so với mức giá hiện nay.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-lua-gao-dong-xuan-sut-giam-nong-dan-gap-bat-loi/