Giá lúa gạo tăng cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Ngày 3/11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và kênh Nhịp sống kinh doanh (BizLIVE) phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”.

Theo VFA, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, gạo Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Thị trường lúa, gạo đang trải qua nhiều biến động. Trong suốt thời gian qua, giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Phó Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam cho biết, giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nên hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu.

Đối với doanh nghiệp lớn để giữ chữ tín với đối tác bắt buộc phải mua giá cao để gom cho đủ hàng, hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế, vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn.

Nông dân trúng mùa, được giá.

Nông dân trúng mùa, được giá.

Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng. Các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro, tránh trường hợp nguồn cung hạn hẹp, giá cả bật lên lại gặp khó khăn.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống. Hiện nay giá gạo Việt Nam quá cao, giá gạo tăng cao cũng là hạn chế làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/gia-lua-gao-tang-cao-nhung-doanh-nghiep-xuat-khau-gap-kho-i712680/