Giá lúa hè thu tăng nhẹ, nông dân bớt lo

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh Kiên Giang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa hè thu 2022. Những ngày qua, giá lúa bắt đầu tăng nhẹ. Đây là tín hiệu vui giúp nông dân giảm bớt phần nào gánh nặng về chi phí sản xuất tăng cao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè thu năm 2022, toàn tỉnh đã xuống giống 279.487ha, đạt 99,46% kế hoạch. Tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch 34.212ha, năng suất bình quân ước đạt 5,34 tấn/ha. Các địa phương đang thu hoạch rộ lúa hè thu là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Giang Thành, một số xã của huyện Hòn Đất gieo sạ sớm để tránh ảnh hưởng của lũ, vùng sản xuất lúa vụ 3.

Vụ hè thu năm 2022, thời tiết ít mưa, lúa ít đổ ngả, thu hoạch thuận lợi, hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh ít hơn những vụ lúa hè thu trước, nông dân giảm từ 2-3 lần phun xịt thuốc/vụ. Bên cạnh những mặt thuận lợi, nông dân gặp khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất lúa từ 20-30% so với trước nên lợi nhuận không cao.

Ông Phan Văn Tư, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Hội (Tân Hiệp) cho biết: “Tôi có 4ha lúa hè thu gieo sạ giống OM18. Đầu vụ thời tiết khá thuận lợi, mưa sớm tạo điều kiện cho nông dân vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ lúa. Tình hình dịch hại, sâu bệnh ít, tiết kiệm chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, giá phân tăng gấp đôi, phân DAP giá từ 1-1,2 triệu đồng/bao nên chi phí bón phân đội lên khá cao từ 2,5-2,7 triệu đồng/công. Để lúa đạt năng suất, tôi phải sử dụng phân bón. Với giá phân hiện nay, lợi nhuận vụ hè thu rất thấp”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đầu tháng 7-2022, giá lúa hè thu năm 2022 có chiều hướng tăng nhẹ từ 100-300 đồng/kg tùy giống lúa. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh thu mua lúa phục vụ xuất khẩu. Nhiều giống lúa chất lượng cao đang được thương lái thu mua với giá từ 5.800-6.200 đồng/kg. Lúa IR50404 giá 5.600-5.700 đồng/kg, OM18 giá 6.000 đồng/kg, OM5451 giá 5.800 đồng/kg. So với vụ đông xuân 2021-2022, giá lúa tăng khoảng 300 đồng/kg. Trong bối cảnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng giá thời gian qua, nông dân sản xuất lúa trong tỉnh đang gồng mình chịu chi phí tăng, giá thành sản xuất quá cao. Vụ hè thu là vụ lúa có nhiều bất lợi do thời điểm thu hoạch rơi vào mùa mưa, dông làm lúa khi thu hoạch dễ đổ ngả, ảnh hưởng đến chất lượng lúa. Tuy nhiên, giá lúa hè thu đang có xu hướng tăng trở lại, nông dân bớt lo, an tâm sản xuất.

Nông dân xã Tân Hội (Tân Hiệp) cân lúa bán cho thương lái.

Nông dân xã Tân Hội (Tân Hiệp) cân lúa bán cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Hội (Tân Hiệp) chia sẻ: “Giá lúa hè thu năm 2022 đang nhích lên, nông dân bớt lo. Vì chi phí sản xuất vụ này khá cao, do phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng, dầu, công lao động đều tăng mạnh. Nông dân rất kỳ vọng giá lúa tiếp tục tăng lên, thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất, bán được giá sẽ giảm bớt gánh nặng do chi phí sản xuất tăng. Hiện thương lái đã bỏ cọc và cho giá 6.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi lãi trên 3,5 triệu đồng”.

Đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Thời gian qua, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng chính quyền địa phương thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất tiên tiến để giúp nông dân sản xuất lúa hiệu quả hơn như canh tác lúa thông minh, gieo sạ lúa bằng máy sạ cụm, gieo sạ bằng phương pháp cấy, áp dụng các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ để giảm giá thành sản xuất trong vụ lúa. Các mô hình đã được nông dân đánh giá cao về hiệu quả, đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân thực hiện liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân”.

Ông Lê Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, xã Định An (Gò Quao) cho biết: “Trước tình hình giá phân bón tăng cao, trong vụ hè thu năm 2022, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Lộc Trời sản xuất lúa theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong canh tác. Bước đầu cho thấy hiệu quả cao, giúp nông dân giảm khoảng 30% chi phí phân bón, giảm 40% chi phí giống lúa, 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Lúa vẫn đảm bảo đạt năng suất bình quân từ 6 tấn/ha. Đặc biệt, nông dân được đảm bảo đầu ra ổn định do thực hiện liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ”.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/gia-lua-he-thu-tang-nhe-nong-dan-bot-lo-9062.html