Giá lúa ở mức thấp, nông dân không có lãi
Hiện nay, lúa Hè Thu (HT) đang trong giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, giá lúa trên thị trường hiện rất thấp khiến nông dân lo lắng. Đây không phải là lần đầu tiên nông dân 'kêu cứu', nhưng việc lệ thuộc quá nhiều vào thương lái và sản xuất không có đầu ra ổn định đã đẩy họ vào tình thế vô cùng khó khăn.
Giá lúa Hè Thu giảm mạnh
Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 221.695ha lúa HT 2019, đạt 100,04% kế hoạch (221.600ha), trong đó thu hoạch 70.808ha, năng suất khô ước đạt 46,4 tạ/ha và sản lượng 328.586 tấn. Hiện nay, giá lúa giảm mạnh nên hầu như nông dân không có lãi trong vụ này.
Huyện Vĩnh Hưng đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa HT 2019. Đến nay, toàn huyện thu hoạch được trên 12.700ha (diện tích gieo sạ 28.700ha). Những ngày qua, đi đến đâu cũng nghe nông dân than lỗ vì giá lúa quá thấp. Ông Nguyễn Minh Tiến (xã Vĩnh Thuận) nói: “Với mức giá này, nông dân lỗ là cái chắc! Người làm nhiều thì lỗ nhiều, người làm ít thì lỗ ít. Chuyện nông dân bỏ ruộng phiêu bạt xứ người ngày càng nhiều, bởi chi phí vật tư nông nghiệp tăng đều qua từng vụ, mà giá lúa cứ “lẹt đẹt” như vậy sao sống nổi!”.
“Gia đình tôi sản xuất hơn 5ha lúa IR50404 nhưng vừa qua chỉ bán được giá 4.100 đồng/kg nên không có lãi. Giờ chỉ mong Nhà nước có chính sách giúp cho giá lúa tăng lên để nông dân ổn định sản xuất” - ông Tiến nói thêm. Còn anh Lê Văn Toản, ngụ cùng địa phương với ông Tiến, cho biết: “Mấy năm nay, người dân chăn nuôi hay trồng trọt đều gặp khó khăn. Nuôi heo thì bị dịch tả, còn trồng lúa thì bị rớt giá. Hiện giá các loại lúa được thương lái thu mua tại ruộng chỉ dao động ở mức 3.900-5.500 đồng/kg, tùy loại giống. Với giá lúa đang ở mức thấp như hiện nay, nông dân vô cùng lo lắng. Biết rằng không có lợi nhuận hoặc lỗ vốn nhưng nông dân cũng phải bấm bụng bán lúa, vì lúa đến tuổi thu hoạch buộc phải bán. Đồng thời, mùa này, mưa gió thất thường, khi lúa chín phải tranh thủ cắt, nếu không lúa đổ ngã lại tăng thêm chi phí thì càng lỗ nặng hơn”.
Vụ HT 2019, huyện Tân Hưng gieo sạ trên 37.000ha. Đến nay, nông dân thu hoạch trên 25.600ha. Theo ông Trần Thanh Tâm (xã Vĩnh Châu A), giá lúa ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp, chỉ từ 4.000-4.200 đồng/kg đối với lúa thường và từ 4.400-4.800 đồng/kg đối với giống hạt dài. Bên cạnh đó, nhiều diện tích nông dân gieo sạ sớm, năng suất không cao, dao động từ 5-6 tấn/ha lúa tươi, chỉ có một số ít diện tích đạt trên 6,5 tấn/ha. Như vậy, trừ chi phí thì mỗi hécta trong vụ này, nông dân chỉ lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng, nếu như đất thuê thì từ huề vốn đến thua lỗ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho hay: “Thời gian qua, ngành tăng cường liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng hiện nay, tình hình tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Số lượng thương lái tham gia thu mua lúa ít và chần chờ trong việc mua lúa của nông dân. Hiện tỉnh có 20 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp và 4 chi nhánh công ty xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì đầu tư vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn hàng ổn định, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Để tránh tình trạng lúa rớt giá, giảm thu nhập của nông dân, thời gian tới, tỉnh tập trung đa dạng sản xuất các mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Qua đó, từng bước giảm lúa Thu Đông và duy trì lúa 2 vụ chất lượng cao, chủ động thủy lợi để ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao; đồng thời, giảm giá thành sản xuất”.
Chủ động chăm sóc lúa Thu Đông
Sau khi thu hoạch xong lúa HT 2019, nhiều địa phương chủ động sản xuất lúa Thu Đông (lúa vụ 3). Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 22.552ha lúa Thu Đông 2019, đạt 47,8% kế hoạch (47.200ha), tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Theo các nhà khoa học, canh tác lúa vụ 3 thường bán được giá cao và dễ bán hơn vụ HT. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, thiên tai và dịch hại thường xảy ra, thêm vào đó, do thời gian này trùng với mùa nước lũ dâng cao hàng năm nên thường đe dọa đến lúa trong vùng đê bao. Để giảm bớt rủi ro do thời tiết cũng như dịch hại trong vụ 3, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành nông nghiệp cùng các địa phương luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết, mưa, lũ để kịp thời có các khuyến cáo, hỗ trợ người dân chủ động sản xuất; có các chỉ đạo kịp thời và kiểm tra, thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi và chú ý gia cố hệ thống đê bao để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ lúa Thu Đông. Các địa phương quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân kịp thời gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng tình trạng ngập lũ, sạt lở đất và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa.
Bên cạnh đó, để sản xuất lúa Thu Đông hiệu quả, nông dân cần tập trung làm đất (trục, cày hay xới); không nên sử dụng lại giống trong vụ HT vừa qua, vì lúa tự để giống của nông dân trong vụ này thường lẫn rất nhiều “lúa lẫn” của vụ trước đó, cộng với lẫn cỏ do nông dân không thể xử lý triệt để trong vụ HT và mang mầm bệnh nhiều. Mặt khác, do thời tiết bất lợi nên nông dân chọn những loại giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng rầy và thích nghi với điều kiện môi trường cao. Trong quá trình phát triển của cây lúa, nông dân nên chú ý áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng dẫn, khuyến cáo của các nhà quản lý nông nghiệp địa phương và phun thuốc khi thật sự cần thiết; bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) và thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch)./.
Vụ lúa Hè Thu 2019, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 94 cánh đồng lớn với diện tích thực hiện 7.714,4ha, 2.677 hộ đăng ký tham gia. Đến nay, thu hoạch 1.526,4ha, thu mua 997ha, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.868 tấn, giá thu mua lúa OM các loại từ 4.500-5.000 đồng/kg (cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg).
Hiện giá lúa tươi tại ruộng như sau: IR50404 từ 4.000 - 4.100 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 4.200 - 4.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.000 - 5.300 đồng/kg, tăng 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước; ST 24 từ 5.200 - 5.300 đồng/kg và nếp từ 5.200 - 5.500 đồng/kg.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/gia-lua-o-muc-thap-nong-dan-khong-co-lai-a79195.html