Giá lúa tăng trở lại sau thời gian giảm sâu: Những vấn đề đặt ra

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, sau những ngày giảm sâu cách nay 1 tháng, hiện giá lúa bắt đầu tăng trở lại.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch vụ đông xuân - Ảnh: L.X.C

Nông dân ĐBSCL thu hoạch vụ đông xuân - Ảnh: L.X.C

Các loại đều tăng

Hiện nay giá lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhẹ ở một số loại. Cụ thể, theo số liệu cập nhật của Sở Nông nghiệp - Môi trường (NN-MT) tỉnh An Giang, giá lúa gạo hôm qua (24.2) trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ thêm từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại so với tuần qua. Trên địa bàn tỉnh An Giang các thương lái đang thu mua lúa Đài thơm 8 ở mức 6.400 - 6.600 đồng/kg; OM 5451 khoảng 5.800 - 6.100 đồng/kg; IR 50404 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg; nếp 3 tháng (khô) từ 9.600 - 9.700 đồng/kg; nếp IR 4625 (khô) ở mức 9.800 - 10.100 đồng/kg.

Tương tự, trên thị trường gạo, giá gạo thường tại chợ An Giang được báo giá ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm từ 18.000 - 22.000 đồng/kg tùy loại. Tại các chợ ở ĐBSCL, gạo thường dao động ở mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Hương lài 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.

Gạo xuất khẩu - Ảnh: Internet

Gạo xuất khẩu - Ảnh: Internet

Tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL giá lúa gạo tiếp tục tăng nhẹ vào đầu tuần. Hiện giá gạo nguyên liệu OM 380 được giao dịch ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg, tăng 100 - 150 đồng/kg so với ngày 22.2; gạo nguyên liệu IR 5451 cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.900 - 8.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 380 - 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8.2021 và giảm so với mức 397 USD/tấn vào tuần trước.

Việc giá gạo tăng nhẹ do nhu cầu xuất khẩu đã có tín hiệu, tuy nhiên, khi lúa tăng giá thì phần lớn nông dân không còn lúa để bán do họ thu hoạch xong thì bán ngay tại ruộng.

Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì?

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-MT tỉnh Trà Vinh cho biết, theo quy luật của thị trường, hằng năm khi lúa thu hoạch rộ thì giá lúa giảm, năm nay ngoài việc lúa thu hoạch rộ còn có yếu tố thị trường lúa gạo nước ngoài biến động do Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại. Chính vì vậy nhiều nông dân trong vùng lo lắng khi giá lúa giảm mạnh. Riêng tại Trà Vinh, vào vụ lúa thu đông, nông dân thu hoạch và bán xong với giá cao, sau đó giá lúa bị sụt giảm, nông dân Trà Vinh may mắn không bị ảnh hưởng. Hiện nay ở Trà Vinh vụ lúa đông xuân sắp trổ, vì vậy, sau đợt giá lúa giảm và thu hoạch rộ, khi nông dân Trà Vinh thu hoạch lúa đông xuân, hy vọng giá lúa lúc đó sẽ tăng lên, mà khoảng 1 tháng nữa Trà Vinh thu hoạch lúa.

Canh tác thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Cần Thơ - Ảnh: Báo Dân Việt

Canh tác thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Cần Thơ - Ảnh: Báo Dân Việt

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng giá lúa giảm hiện nay có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên để hạn chế những rủi ro, thiệt hại cho nông dân, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, nông dân, ngành chức năng về nông nghiệp và ngân hàng. Giá lúa gạo Việt Nam tùy thuộc cung cầu vào thị trường thế giới. Ngoài ra giá lúa cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết khí hậu, việc biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại về nông nghiệp hay thuận lợi về nông nghiệp ở những nước có nguồn cung gạo lớn hay những nước có nhu cầu về gạo lớn sẽ ảnh hưởng biến động giá gạo thế giới. Giá lúa cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách dự trữ của mỗi quốc gia. Việc này ảnh hưởng thị trường gạo mỗi nước và thế giới. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp, các ngành chức năng cần có sự chỉ đạo nhất quán trong sản xuất và điều phối kinh tế nông nghiệp.

Gạo chất lượng cao ST25

Gạo chất lượng cao ST25

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng giá gạo trên thế giới phụ thuộc vào cung cầu giữa người bán và người mua. Nhưng giá gạo Việt Nam giảm sâu như hiện nay (và nhiều thời điểm ở nhiều năm trước) còn do tác động bởi những thông tin rất bất lợi xuất phát từ ngay trong nước, tạo cớ để các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam ép giá ở thời điểm Việt Nam thu hoạch rộ.

Nguyên nhân cơ bản sâu xa nhất vẫn là ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển không bền vững, giữa sản xuất với tiêu thụ không gắn kết với nhau, nên lúa của nông dân làm ra đụng phải thời điểm nhiều thông tin xấu… phải bán với giá rất thấp vì không có “người mua” theo kế hoạch. Từ trung ương đến địa phương, từ nông dân đến doanh nghiệp đều đã nhìn thấy bất cập này từ rất lâu rồi và cũng đã đưa ra giải pháp để chấm dứt. Cụ thể đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn năm 2010, hay mới nhất là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11.2023. Dù ở mô hình hay đề án, Bộ Nông nghiệp-PTNT, ngân hàng, chính quyền các địa phương đã vào cuộc một cách khá tốt, tuy nhiên vẫn thiếu giải pháp bền vững tạo cho nông dân và doanh nghiệp đủ nguồn lực để liên kết sản xuất gắn chặt với tiêu thụ.

Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, nó quyết định toàn bộ việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đạt hiệu quả cao hay thấp, quyết định mức thu nhập của nông dân và doanh nghiệp.

Canh tác thí điểm theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải - Ảnh: H.G

Canh tác thí điểm theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải - Ảnh: H.G

Hiện nay thị trường thế giới đang có xu hướng tiêu thụ gạo chất lượng cao gắn carbon thấp, vì vậy sự liên kết thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp đồng hành phát triển. Nếu Việt Nam có 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải thì hằng năm xuất khẩu từ 7 - 9 triệu tấn gạo, thu về từ 6 - 7 tỉ USD, các năm sau còn cao hơn nữa, vì gạo vẫn sẽ là mặt hàng khan hiếm dần do biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là Việt Nam phải tiêu thụ xuất khẩu vào thời điểm nào? Phải chủ động trong tiêu thụ! Nếu chúng ta làm theo Đề án thì sản xuất lúa của nông dân và xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được.

Như vậy, việc ngân hàng cho doanh nghiệp, HTX và nông dân vay vốn để đầu tư thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa, gạo…theo tiêu chí của đề án là khâu then chốt quyết định sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam.

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-lua-tang-tro-lai-sau-thoi-gian-giam-sau-nhung-van-de-dat-ra-229722.html