Giá lúa thấp và bán rất chậm - 'Bài toán khó' cần có lời giải
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ hè thu 2022 toàn tỉnh gieo cấy trên 23.000 ha lúa, vượt 3,5% so với kế hoạch; trong đó có 19.000 ha lúa chất lượng cao. Hiện nay, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh ước đạt 56 tạ/ha. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui được mùa, nông dân trong tỉnh hiện đang canh cánh nỗi lo vì giá lúa xuống thấp so với vụ trước và bán ra rất chậm. Đây thực sự là 'bài toán khó', rất cần cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc, có giải pháp hỗ trợ để nông dân thu được một vụ mùa trọn vẹn.
Giá lúa xuống thấp, ít có người mua
Có thể nói, nông dân trong tỉnh triển khai sản xuất vụ hè thu 2022 trong điều kiện hết sức khó khăn. Hậu quả thiên tai để lại nặng nề, dịch bệnh bùng phát và giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai vụ mùa. Nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp- PTNT và quyết tâm của nông dân, tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và nguồn nước tưới đảm bảo nên vụ hè thu này, nông dân toàn tỉnh cơ bản được mùa, năng suất bình quân cao hơn 3 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2021.
Nhưng niềm vui được mùa chưa trọn vẹn khi vụ hè thu này, giá lúa có dấu hiệu xuống thấp và ít người mua, việc tiêu thụ lúa trong dân rất chậm. Ông Nguyễn Văn Lục, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết, vụ hè thu này, HTX sản xuất trên diện tích 127,5 ha, năng suất dự ước 5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng trên 600 tấn lúa.
Nếu vụ mùa trước, giá lúa Đài Thơm được mua với giá 8.000 đồng/kg, HC95 bán được 9.000 đồng/kg và bán rất chạy thì hiện nay nông dân đã thu hoạch, phơi phong và tiến hành bán lúa khô nhưng giá đang xuống thấp và bán ra rất chậm, có thời điểm không bán được. Ngoại trừ các giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm còn có người mua với mức giá chấp nhận được là 7.000 đồng/kg, còn lại các giống lúa khác như HC95, VNR20, Khang Dân…chỉ từ 6.000 đồng/kg, thậm chí có lúc không có người hỏi mua.
Theo ông Nguyễn Văn Lục, hiện nay lượng lúa thu vào sau khi kết thúc vụ mùa và tồn đọng từ vụ mùa trước trong dân là rất lớn. Ở khu vực nông thôn, nếu gia đình nào thuần nông thì toàn bộ nguồn thu trông chờ cả vào hạt lúa. Vụ hè thu kết thúc cũng đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới với nhiều chi phí cho con em học hành, chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất vụ đông xuân, trả các khoản nợ mua vật tư nông nghiệp, tích lũy để chi phí mua sắm vào dịp tết Nguyên đán… nên nhu cầu bán lúa của nông dân rất cao. Giá lúa xuống thấp và ít người hỏi mua, lượng bán ra nhỏ giọt đã làm cho nông dân “thiệt đơn thiệt kép”.
Cần hỗ trợ nông dân bằng những quyết sách hợp lý
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Lục, để sản xuất 1 ha lúa, nông dân phải chi phí 29.500.000 đồng từ tiền phân bón, thuốc trừ cỏ, bảo vệ thực vật, công làm đất, công gặt, công thủy nông, công chăm sóc lúa, phơi sấy, bảo quản thóc… Nếu tính năng suất lúa bình quân đạt 5 tấn/ha, giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì có thể sẽ đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ha. Lấy chi phí để trừ ra số tiền thu vào từ sản xuất 1 ha lúa thì xem như nông dân chỉ lấy công làm lãi. Ở đây đang tạm khái tính năng suất lúa tươi khi thu hoạch và với điều kiện sản xuất bình thường, nếu gặp thiên tai, dịch bệnh hay những bất lợi khác, nông dân có khi còn “trắng tay”.
Có thể thấy, việc giá phân bón đột ngột tăng mạnh trong vụ hè thu này cũng đã gây bất lợi lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo phản ánh của nông dân, nếu vụ đông xuân 2020 - 2021, phân đạm urê chỉ có giá 7.000 đồng/ kg thì nay đã tăng lên 17.200 đồng/kg; phân kali 9.000 đồng/kg nay là 18.000 đồng/kg, phân lân từ 3.200 đồng/ kg nay là 4.500 đồng/kg, phân NPK bình quân 9.000 đồng/kg nay đã tăng lên khoảng 18.000 đồng/kg…Giá phân bón tăng mạnh, trong lúc giá lúa đang giảm sút và không tiêu thụ được đã kéo thu nhập của người trồng lúa xuống mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, những bất cập nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện vẫn còn ở quy mô chủ yếu là kinh tế hộ, nhỏ lẻ. Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới; kinh tế hợp tác, nhất là HTX chưa thực sự phát huy hiệu quả và thực hiện vai trò “bà đỡ” cho xã viên. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn thiếu bền vững. Chất lượng nguồn lao động trong nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế- xã hội. Việc huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có liên kết bền vững với nông dân còn khó khăn; huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế…
Thực trạng sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản nói chung và tình hình sản xuất lúa gạo nói riêng. Bên cạnh đó, giá cả bấp bênh gây không ít khó khăn đến đời sống nông dân. Việc thu hoạch và bảo quản theo cách làm truyền thống chưa được cải tiến cũng đã làm suy giảm đáng kể chất lượng lúa gạo, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có biện pháp giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo nhằm đảm bảo lợi ích, gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân cũng như nâng cao tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường.
Đặc biệt, vai trò quản lý của nhà nước hỗ trợ sau thu hoạch và việc ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, thúc đẩy sự hợp tác tích cực và hiệu quả giữa các doanh nghiệp với nhà nông để giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo sự công bằng về phân phối lợi ích trong phát triển kinh tế nông nghiệp cũng cần được tính đến. Song song với đó, cần có những ràng buộc về khía cạnh chính sách, đảm bảo lợi ích cho nông dân, đảm bảo sự phát triển công bằng giữa nông dân và các bên liên quan cũng như tăng cường mối liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp mà hiện tại được đánh giá là chưa mạnh.
Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp thu mua lúa gạo đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân). Cần có những gói hỗ trợ đặc thù về thu mua, tạm trữ lúa trong những trường hợp cần thiết giúp nông dân có thu nhập ổn định từ sản xuất lúa và có nguồn lực để tái sản xuất mở rộng, tiến tới hạn chế tình trạng được mùa, mất giá, lúa làm ra tiêu thụ chậm như hiện nay.