Giá lương thực tăng cao, người dân càng thêm chật vật
Giá lương thực leo thang, nguồn cung hạn chế đẩy giá lương thực lên cao, người tiêu dùng vốn đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt nay càng đau đầu với vấn đề lạm phát.
Theo Hellenshippingnews, các nhà nhập khẩu chính trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi đang muốn nhập khẩu các đơn hàng trong khoảng hai đến ba tháng so với sáu tháng như trước kia.
Thông thường, giá ngũ cốc ít biến động. Tuy nhiên, với lượng dự trữ eo hẹp, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước nghèo, sẽ cảm thấy tác động của việc tăng giá nhanh hơn.
Phin Ziebell, nhà kinh tế kinh doanh nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Các nhà xay xát lúa mì và người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn trong việc mua hàng do thị trường biến động”.
Thực tế, giá trên thị trường bán lẻ vẫn tăng cao và lạm phát thực phẩm là vấn đề rất nghiêm trọng.
Tháng 3, dự kiến giá lúa mì chuẩn Chicago kỳ hạn đã tăng lên mức đáng báo động do chiến sự Nga - Ukraine và thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất khác làm giảm nguồn cung.
Các chuyến hàng ngũ cốc Ukraine từ Biển Đen vẫn tiếp tục được vận chuyển đến nơi nhập khẩu, tuy nhiên do chiến sự Nga - Ukraine tình hình thỏa thuận sẽ trở nên mong manh hơn.
Hiện, giá lúa mì của Nga đang được niêm yết ở mức khoảng 340 USD/tấn, bao gồm chi phí và cước vận chuyển (C&F) để giao đến Đông Nam Á so với lúa mì vụ đông của Mỹ có giá khoảng 390 USD/tấn.
Theo Ole Houe, giám đốc dịch vụ tư vấn tại công ty môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney, lúa mì Biển Đen cho châu Á thường được bán với giá khoảng 260 USD/tấn trước chiến tranh. Do giá cao hơn, người mua không sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua ngũ cốc để đáp ứng nhu cầu trong tương lai mặc dù điều đó khiến họ phải trả giá cao hơn nếu nguồn cung bị hạn chế, ông nói.
Dự trữ lúa mì toàn cầu đến tháng 6 năm 2023 được dự báo sẽ giảm xuống còn 269,34 triệu tấn, từ mức 276,70 triệu tấn một năm trước, mức giảm hàng năm thứ hai, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
“Theo quan điểm của tôi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, một thương nhân ngũ cốc Đức cho biết.
Dự trữ tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì số 1 thế giới, được dự báo sẽ giảm xuống 3,4 triệu tấn vào cuối tháng 6, mức thấp nhất trong 18 năm, dữ liệu của USDA cho thấy. Indonesia, người mua lớn thứ hai, ước tính sẽ tiêu thụ ít hơn hai tháng sau đó.
Lượng tồn kho ở Ấn Độ, nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai thế giới, ước tính là 12,6 triệu tấn trong tháng 6, ít hơn một nửa so với kho dự trữ hai năm trước.
USDA dự báo dự trữ lúa mì của Mỹ sẽ giảm xuống 15,47 triệu tấn vào cuối năm tiếp thị 2022/23, mức thấp nhất trong 15 năm.
Lê Na (Theo Hellenshippingnews)