Giả mạo Bộ GD&ĐT lừa thi Olympic Toán học

Liên quan đến văn bản giả mạo lan truyền trên mạng xã hội có nội dung thông báo của Bộ GD&ĐT về cuộc thi Olympic Toán học năm 2024, Bộ GD&ĐT cho biết, đã mời cơ quan công an vào cuộc xác minh.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản với nội dung thông báo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức cuộc thi Olympic Toán học năm 2024 với nhiều lỗi chính tả.

Bộ GD&ĐT khẳng định, đây là văn bản giả mạo. Đơn vị đã thông báo tới cơ quan công an để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Văn bản mạo danh Bộ GD&ĐT thông báo về việc tổ chức tham gia cuộc thi Olympic Toán học 2024.

Văn bản mạo danh Bộ GD&ĐT thông báo về việc tổ chức tham gia cuộc thi Olympic Toán học 2024.

Theo nội dung văn bản giả mạo nói trên, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức cuộc thi Olympic Toán học năm 2024. Đối tượng tham gia là trẻ em từ 4 đến 18 tuổi. Thí sinh đăng ký dự thi qua hình thức online, từ 20/7. Các em sẽ dùng ứng dụng Telegram để nhận thông báo xét duyệt và thư mời tham gia khóa học. Thời gian, địa điểm thi sẽ được bộ phận tổ chức liên hệ trực tiếp với phụ huynh.

Về phần quyền lợi của thí sinh tham gia dự thi, văn bản giả mạo nêu: thí sinh dự thi được làm quen, phát triển tư duy mới, trang bị thêm kỹ năng công dân số toàn cầu. Thí sinh xuất sắc nhất sẽ được đặc cách vào các trường đại học không cần thi đầu vào và nhận được suất học bổng từ Chính phủ. Thậm chí, nội dung văn bản còn có số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ thí sinh.

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện đơn vị chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua 3 kênh: Cổng Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT; trang Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT trên nền tảng Facebook và trang Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT trên nền tảng Youtube.

Khi đăng ký tham gia bất cứ kỳ thi nào, thí sinh, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ nguồn tin, thông tin, tránh sập bẫy kẻ xấu.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT nhiều lần bị giả mạo văn bản, hay bị lập fanpage mạo danh. Gần đây nhất là việc mạo danh Bộ GD&ĐT thông báo tuyển dụng công chức năm 2024 với nhiều hình ảnh, bài viết có nội dung phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp khác là ra văn bản giả mạo Bộ GD&ĐT để triệu tập hội nghị, xuyên tạc về quyết định phê duyệt sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT...

Telegram ra đời năm 2013, là ứng dụng chat phổ biến thế giới, nổi tiếng về tính bảo mật nhưng cũng vì đó mà trở thành "thế giới ngầm" của tội phạm lừa đảo. Ứng dụng này không yêu cầu bất cứ thông tin nào ngoài số điện thoại nhận OTP (có thể thuê, mua qua dịch vụ). Người dùng có thể ẩn danh và xóa dấu vết tin nhắn.

Theo Datareportal đầu năm 2023, khoảng 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam từ 16 đến 64 tuổi có sử dụng Telegram. Nhiều người Việt bị lừa tiền thông qua các nhóm trò chuyện trên ứng dụng này.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-mao-bo-gddt-lua-thi-olympic-toan-hoc-169240805151058239.htm