Giá mặt hàng tăng nhưng chỉ số CPI vẫn 'đẹp như mơ': Tổng cục Thống kê nói gì?
Tại Tọa đàm 'Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 19/6, một số nhà báo phản ánh công chúng đang băn khoăn giá cả tăng liên tục, vì sao Tổng cục Thống kê vẫn công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 'đẹp như mơ'?
Chia sẻ tại Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, số liệu của ngành thống kê đôi khi công bố còn chưa kịp thời và còn thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong thời gian qua, ngành thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
Sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống... đòi hỏi ngành thống kê phải luôn vận động, đổi mới.
“Các phương pháp thống kê vì thế có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội. Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của chúng tôi luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, để triển khai những chỉ tiêu mới, ngành thống kê đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…
Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, bà Hương thừa nhận, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế.
Còn thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc người sử dụng thông tin thống kê chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu.
Tại tọa đàm, một số nhà báo phản ánh: công chúng đang băn khoăn rau cỏ, hoa quả, lương thực, thực phẩm ở thị trường tăng liên tục, vì sao Tổng cục Thống kê vẫn công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “đẹp như mơ”? Trong khi tất cả các nền kinh tế phát triển đều công bố tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm rất cao, còn Việt Nam lại chỉ loanh quanh tỷ lệ thấp, rất khó tin, ngành thống kê lý giải thế nào về thực trạng này?
Trả lời câu hỏi liên quan, bà Hương khẳng định, dữ liệu thống kê luôn có độ trễ, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy.
Riêng về số liệu liên quan đến thống kê hoạt động của doanh nghiệp, bà Hương cũng cho rằng, số liệu thống kê có sự chênh lệch xuất phát từ chính doanh nghiệp cung cấp thông tin. Có những doanh nghiệp cung cấp số liệu luôn khẳng định là đúng, nhưng với cuối kỳ thống kê mới cho là mình “nhầm”.
“Dữ liệu doanh nghiệp hàng tháng hàng, quý là do doanh nghiệp nhập và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Khi thống kê sai, chúng tôi phải đính chính, giải trình, có ví dụ địa chỉ cụ thể đơn vị nào cung cấp thông tin sai”, bà Hương nói.
Về vấn đề kỹ thuật thống kê, bà Hương giải thích, số liệu thống kê có xu hướng tăng nhưng có điều chỉnh, không như trước đây, số liệu GDP của Việt Nam đi ra nước ngoài chỉ nói một con số.
“Tốc độ tăng trưởng GDP có thể ít nhưng quy mô kinh tế thì có thể thay đổi nhiều. Số liệu này năm trước thay đổi thì sẽ dẫn tới sự thay đổi của một chuỗi dữ liệu, khiến tốc độ của năm sau cũng thay đổi”, bà Hương cho biết.