Giá nào để hút đầu tư vào điện sạch?
Mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD, do nguồn điện trong 5 năm tới cao gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại, phần lớn là nguồn điện tái tạo. Theo các chuyên gia, bài toán giá điện sẽ là mấu chốt để thu hút đầu tư vào nguồn điện này.
Chính phủ vừa ban hành Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Với bản quy hoạch mới này, mục tiêu tăng các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) khá tham vọng so với bản quy hoạch cũ.
Theo đó, giai đoạn 2026-2030, nguồnđiện mặt trời cho kịch bản cơ sở và kịch bản cao tăng thêm lần lượt 29.787 MW và 56.800 MW; điện gió tăng thêm 20.197 MW và 32.160 MW, chưa kể 6.000 MW điện gió ngoài khơi; nguồn điện sinh khối và rác tăng thêm 2.569 MW và 4.471 MW; pin lưu trữ đạt 10.000 MW và 16.270 MW, trong khi quy hoạch điện VIII chỉ có 300 MW…

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi.
Điện gió ngoài khơi và điện rác vẫn chưa "chốt" giá
Việc tăng thêm này nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025 và hướng tới hai con số vào các năm tiếp theo. Song, các chuyên gia lo ngại bài toán giá điện sẽ là rào cản thu hút đầu tư khi mỗi năm ngành điện cần số vốn lên tới 27,6 tỷ USD do nguồn điện trong 5 năm tới cao gấp 2 - 2,8 lần so với hiện tại.
Bộ Công thương đã công bố giá cho các loại hình nguồn điện như điện mặt trời, điện khí, nhiệt điện, thủy điện… thế nhưng giá mua nguồn điện gió ngoài khơi và điện rác vẫn chưa "chốt" do có những phức tạp nhất định.
Theo tìm hiểu, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đề xuất giá mua điện gió ngoài khơi theo ba khu vực địa lý trọng điểm gồm miền Bắc, Nam Trung Bộ và miền Nam.
Cụ thể, khu vực miền Bắc sẽ được mua với mức giá phát điện cao nhất là 3.975 đồng/kWh, với các vị trí tiềm năng tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình.
Tại Nam Trung Bộ (Bình Thuận), có mức giá 3.078 đồng/kWh. Trong khi đó, khu vực miền Nam với đại diện là Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá 3.868 đồng/kWh.
Còn với điện rác, mức giá được EVN tính toán theo chỉ số giờ vận hành Tmax = 6.500h là 2.575 đồng/kWh; dự án có số giờ vận hành Tmax = 7.500h sẽ là 2.189,6 đồng/kWh.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Ảnh minh họa).
Vì sao chưa có giá điện hai thành phần?
Nhận định về mức giá đề xuất trên, TS Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhấn mạnh, từ thời điểm kết thúccơ chế giá ưu đãi FIT đến nay, nguồn điện tái tạo đưa vào rất thấp. Điều này cho thấy mức giá tính toán hiện nay cần đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Với mức giá điện rác như trên, ông Tuấn nói "chúng ta tưởng hấp dẫn nhưng lại chưa hấp dẫn". Theo ông, các dự án điện rác luôn chịu một ẩn số rủi ro so với các nguồn điện khác.
Ở chỗ, địa phương luôn tính toán để đạt mức giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt thấp nhất, do đây là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Cũng vì loại hình dịch vụ công nên địa phương cũng không thể tự mình đưa ra các cam kết bảo đảm cung cấp khối lượng lượng rác đầu vào cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
Việc này làm giảm hiệu suất hoạt động của dự án điện rác, kéo theo hiệu quả kinh tế. Trong khi, khung giá điện không tính đến vấn đề trên.
Chủ đầu tư một dự án điện rác cho biết thêm, hiện đang có bất cập khi áp giá bằng tiền Việt Nam.
Vị này ước tính, mỗi dự án điện rác trung bình phải làm trong 5 năm. Mỗi năm, tiền Việt trượt giá trung bình từ 4-6%. Như vậy, 5 năm sau tính cả trượt giá và lũy kế tương đương là mất giá khoảng 30%.
Trong khi đó, qua kinh nghiệm, mức bù giá được đưa vào khung giá chỉ khoảng 2-3%. "Nếu so sánh giữa mức bù với mức trượt giá thực thì sau 5 năm sẽ mất khoảng 15-17% giá thực. Có nghĩa, giá hiện tại dự kiến khoảng 2.500 đồng/kWh, thì thực tế chỉ còn tương đương 2.100 đồng/kWh", vị này nhẩm tính.
Với mức giá này, theo vị chủ đầu tư là rất khó khăn, do một dự án điện rác đầu tư rất lớn, nhiều rủi ro, 20 năm mới có thể hòa vốn…
Vì thế, nhà đầu tư này kiến nghị, cần có giải pháp để tránh việc bị âm phần chênh giữa trượt giá thật và bù giá, khiến giá thực nhận không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Hiện có 173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió vướng mắc (Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đầu tư dự án điện tái tạo, nhà đầu tư chủ yếu rót vốn bằng USD, do đó, việc đưa ra giá điện bằng tiền Việt Nam cũng cần phải cân nhắc, xem có đáp ứng được không.
Riêng dự án điện gió ngoài khơi, theo ông Hoạch, đến nay Việt Nam chưa làm dự án nào nên để đưa ra một mức giá cụ thể cần tham khảo kỹ lưỡng các nước, và bối cảnh của Việt Nam.
Ông cũng lưu ý, áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần cho cả đầu vào (mua từ nhà máy phát điện) và đầu ra (bán cho dân) sẽ công bằng, rõ ràng, minh bạch, thế nhưng, đến nay vẫn chưa được nhà quản lý công bố.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gia-nao-de-hut-dau-tu-vao-dien-sach-192250425175214751.htm