Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, Cục Chăn nuôi đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nông hộ và trang trại chăn nuôi thua lỗ.
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng nay (18/3), đại diện Công ty thức ăn chăn nuôi Hòa Phát nói: Ngành chăn nuôi đang rất khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục đẩy giá thành lên cao nhưng giá bán lại liên tục giảm.
Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (18/3).
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Sinh – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi đang giảm mà nguyên nhân quan trọng vẫn là giá thức ăn tăng cáo, giá thành tăng, giá bán giảm.
Báo cáo của Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, đến cuối tháng 02/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn 53-56 ngàn đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giảm còn 50-53 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ucraina đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Theo các doanh nghiệp cho biết, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80-85% giá thành thức ăn chăn nuôi.
“Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ”, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi cho hay.
Báo cáo của Cục chăn nuôi cho biết thêm, thị trường lợn thịt biến động như trên đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ lợn giống. Sau khi giá lợn thịt giảm, giá lợn giống giảm mạnh. Từ cuối tháng 10/2021 đến nay, giá lợn giống duy trì 1,1-1,3 triệu đồng/con.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.
Cục chăn nuôi dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 (Giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức tăng). Trong khi đó năng lực năng lực sản xuất nguyên liệu TACN trong nước còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
“Trường hợp giá nguyên liệu TACN tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng cho hay.
“Thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã hạ rồi. Nhưng với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao thế này, đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người nuôi. Doanh nghiệp lúc này đang rất khó khăn”, đại diện Công ty chăn nuôi Hòa phát nêu ý kiến.
Chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước là giải pháp căn cơ nhất. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai và một số doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị này đã đề nghị ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho nuôi ruồi lính đen.
Nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn protein sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, thay cho đạm cá vì đạm cá giá thành cao hơn. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng "ruồi lính đen" vì năng suất sinh học cao tới 10000 tấn protein/ha. Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loại ruồi này. Các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa cổ phần cũng đang nghiên cứu đưa "ruồi lính đen" vào làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cho nuôi loại ruồi này.
“Chúng tôi được biết Cục chăn nuôi cũng đã có ý này và đang xin ý kiến các địa phương. Các nước đang đẩy mạnh nuôi "ruồi lính đen". Nếu ta chậm là ta mất cơ hội”, ông Sinh nói.
Từ Sở Nông nghiệp v.à phát triển nông thôn Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cũng cho biết nhiều doanh nghiệp muốn nuôi "ruồi lính đen" để thay thế đạm cá. Sở đề nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ đã gửi sang Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có quy định. Chưa có quy định nên người dân và doanh nghiệp cứ làm tự phát còn địa phương quản lý rất khó.
Để nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước, Cục Chăn nuôi đề nghị 3 nhóm giải pháp về nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước, giảm thiểu chi phí trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu TACN và các giải pháp về tổ chức sản xuất.
Trong đó, theo Cục này, nên chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây TACN (ngô, sắn…), phát triển sản xuất protein từ côn trùng (ví dụ: ruồi lính đen) để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm TACN.
"Bên cạnh đó nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược", đại diện Cục Chăn nuôi nêu.
Cục này cũng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần TACN có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm TACN. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TACN.
Và Cục này cũng đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu giá nguyên liệu sản xuất TACN vẫn ở mức cao.