Giá nhà cho thuê tăng, gánh nặng với các gia đình trẻ đô thị
Theo số liệu vừa được Cục Thống kê - Bộ Tài chính công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tiếp tục xu hướng tăng. Trong đó, giá thuê nhà - một khoản chi tiêu thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách hộ gia đình trẻ tại các đô thị nằm trong nhóm tăng chính.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước. CPI tháng 4 tăng 1,37% so với tháng 12/2024; tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,05%.
Cũng theo Cục Thống kê, trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2025 so với tháng 3 chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. Trong đó, giá thuê nhà tăng 0,41% do nhu cầu thuê nhà ở tăng.

Ảnh minh họa: TB.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch bất động sản online cho thấy, trong tháng 4/2025, giá thuê nhà tăng tại hầu hết các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Theo thống kê của batdongsan.com.vn ngày 7/5, so với cùng kỳ năm 2024, giá căn hộ cho thuê tại Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 5,8%; tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,1%, Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tăng 35,4%; tại quận Hải Châu, Đà Nẵng tăng 22,4%...
Theo báo cáo thống kê trên sàn bất động sản VIC, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá cho thuê nhà trong 4 tháng đầu năm 2025 đến từ việc giá điện, nước, phí bảo trì và vốn đầu tư ban đầu tăng trong khi nguồn cung nhà cho thuê sụt giảm do dòng tiền đầu tư bất động sản bị chững lại.
Sự biến động này không chỉ mang tính nhất thời mà được một số đơn vị cung ứng dịch vụ cho thuê nhà dự báo sẽ kéo dài trong các tháng tới, khiến nhiều hộ gia đình trẻ, vốn đang ở giai đoạn ổn định cuộc sống có thể sẽ phải chịu áp lực chi tiêu ngày một nặng nề hơn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi mới lập gia đình và thuê căn hộ 2 phòng ngủ tại khu vực Thanh Xuân. Từ tháng 3, chủ nhà đã thông báo tăng giá thuê từ 8,5 triệu lên 9,2 triệu đồng. Con số không quá lớn nếu nhìn riêng lẻ, nhưng cộng dồn với điện nước, gửi xe, tổng chi phí sinh hoạt cuối tháng thực sự đáng kể.”
Không riêng gia đình chị Hạnh, tình trạng này đang ảnh hưởng đến không ít lao động trẻ. Anh Vũ Tuấn Anh, nhân viên IT, cho biết: “Hiện nay tìm căn hộ giá rẻ rất khó. Hầu hết các căn hộ cho thuê hiện nay đều đã được đầu tư bài bản. Với thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 20–25 triệu đồng/tháng, chúng tôi đang phải dành tới 30–40% tiền để thuê nhà. Điều này khiến các khoản chi cho ăn uống, học hành, y tế, tiết kiệm chung của cả gia đình đều bị ảnh hưởng.”
“Tôi độc thân, đang thuê căn hộ 1 phòng ngủ tại Nam Từ Liêm - khu vực xa trung tâm, với giá 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này chiếm đến gần 50% thu nhập của bản thân khiến tôi không dám nghĩ đến kết hôn hay đầu tư học hành nâng cấp bản thân”, chị Vũ Lan Anh (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Theo TS Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Minh (chuyên gia tư vấn tài chính FDW), áp lực từ việc giá nhà cho thuê tăng không chỉ là thách thức tạm thời mà còn là dấu hiệu cho thấy cần sự thay đổi cấu trúc chi tiêu trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, nếu có chiến lược tài chính cá nhân linh hoạt và chủ động, các gia đình trẻ hoàn toàn có thể thích ứng và duy trì chất lượng cuộc sống. “Các gia đình trẻ cần điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu dựa trên mô hình 50-30-20 (50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân, 20% cho tiết kiệm). Tuy nhiên, trước thực trạng giá thuê nhà tăng nhanh, tỷ lệ này nên được linh hoạt hóa".
"Trong bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng chi phí thiết yếu sẽ vượt ngưỡng 50%. Khi đó, cần mạnh dạn cắt giảm nhóm chi tiêu không cấp thiết và duy trì mức tiết kiệm tối thiểu 10% để tránh rơi vào vòng xoáy nợ hoặc khủng hoảng tài chính khi có biến cố”, bà Minh phân tích.
Việc lập bảng chi tiêu hàng tháng, ghi chép cụ thể từng khoản, theo bà Minh, là điều bắt buộc để nhận diện “lỗ hổng tài chính” như ăn ngoài quá nhiều, tiêu dùng theo cảm hứng hay đăng ký dịch vụ không cần thiết.
Bên cạnh việc siết chặt chi tiêu, các cặp vợ chồng trẻ cũng được khuyên nên điều chỉnh chiến lược thuê nhà. Bà Phạm Ngọc Bích, chuyên gia cho thuê bất động sản nội đô Hà Nội gợi ý ba hướng tiếp cận: Chuyển về khu vực xa trung tâm, chia sẻ không gian sống và đàm phán lại hợp đồng thuê.
Theo bà Bích, “di chuyển xa hơn sẽ tiêu tốn thời gian nhưng có thể giúp giảm chi phí thuê từ 15-30%. Với gia đình trẻ chưa có con nhỏ, việc thuê nhà chung để chia sẻ chi phí là một giải pháp tạm thời hợp lý. Ngoài ra, việc đàm phán lại giá thuê khi hợp đồng cũ sắp hết hạn cũng có thể giúp giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ. Chủ nhà thường không muốn đổi người thuê liên tục vì phát sinh thêm chi phí sửa chữa và rủi ro để trống nhà”.
Không chỉ cắt giảm chi tiêu, các chuyên gia còn khuyến nghị các gia đình trẻ chủ động tìm cách tăng thu nhập. TS Đỗ Minh Thành, Viện Kinh tế chiến lược LSE khuyên: “Chỉ cần tiết kiệm 30.000-50.000 đồng mỗi ngày, mỗi năm có thể tích lũy 10-18 triệu đồng để dành cho tình huống khẩn cấp hoặc đầu tư nhỏ. Ngoài ra, tận dụng thời gian rảnh để làm thêm, bán hàng online, làm freelancer, chia sẻ kỹ năng trên mạng xã hội cũng là những kênh tạo thu nhập bổ sung hiệu quả và ngày càng phổ biến trong giới trẻ đô thị”.
“Chi phí sinh hoạt tăng là điều không thể tránh khỏi trong nền kinh tế biến động. Nhưng thay vì căng thẳng hay cắt giảm quá mức hãy tư duy linh hoạt, phân tích tài chính thông minh và hướng đến những mục tiêu bền vững. Quản lý tài chính cá nhân không chỉ là tiết kiệm, mà còn là đầu tư vào chính cuộc sống của mình,” TS Thành nhấn mạnh.