Gia nhập BRICS - tia hy vọng mới của kinh tế Ethiopia?

Bị bao vây bởi những khó khăn kinh tế, những ngày đầu tiên của Ethiopia với tư cách là thành viên mới của BRICS không mấy dễ dàng.

Nền kinh tế thế giới suy yếu, hậu quả của Covid-19 đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và xung đột ở Trung Đông đang ảnh hưởng tới Ethiopia. (Nguồn: DW)

Nền kinh tế thế giới suy yếu, hậu quả của Covid-19 đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và xung đột ở Trung Đông đang ảnh hưởng tới Ethiopia. (Nguồn: DW)

Ngay trước thềm Năm mới 2024, tin không vui đã đến với Ethiopia khi chính phủ ở Addis Ababakhi không thể thanh toán khoản lãi 33 triệu USD cho trái phiếu chính phủ quốc tế.

Cuối năm 2023, Bộ Tài chính Ethiopia nói rằng, họ đã nỗ lực đàm phán lại các điều khoản trái phiếu trước thời hạn thanh toán lãi. Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn trả lãi suất và chia nhỏ các đợt thanh toán cho khoản nợ trái phiếu 1 tỷ USD của nước này. Khoản nợ dự kiến đáo hạn vào tháng 12/2024.

Hiện tại, quốc gia châu Phi đang trong quá trình đàm phán về một gói viện trợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để thúc đẩy tình trạng suy thoái của đất nước.

Nền kinh tế sẽ trở lại đúng hướng?

Tháng 8/2023, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) thông báo đã kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia vào ngày 1/1/2024.

Thời điểm đó, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vui mừng chia sẻ rằng: "Đây là một thời điểm quan trọng với Ethiopia, các nhà lãnh đạo BRICS đã chấp thuận để chúng tôi gia nhập khối. Ethiopia sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì một trật tự thế giới thịnh vượng và toàn diện".

Việc tham gia BRICS mang đến một tia hy vọng ở Ethiopia. Bộ trưởng Tài chính Ethiopia Ahmed Shide nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN rằng, động thái này là một lợi ích ngoại giao quan trọng đối với đất nước.

Ông khẳng định: "Ethiopia sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác truyền thống. Nhưng đất nước cũng sẽ cải thiện đáng kể quan hệ với các đối tác mới - chẳng hạn như các nước trong BRICS - nơi có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng".

"Quyết định kết nạp Ethiopia là thành viên mới của BRICS đến thật bất ngờ!" - DW viết.

Trong các dự đoán về những ứng viên tiềm năng gia nhập nhóm, Ethiopia hiếm khi được nhắc tới. Thay vào đó là những cái tên "máu mặt" như Saudi Arabia, UAE, Iran, Argentina, Algeria...

Susanne Stollreiter, người đứng đầu Quỹ Friedrich Ebert (FES) ở thủ đô Addis Ababa cho biết, đất nước có những yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc gia nhập BRICS. Ethiopia rất quan trọng từ quan điểm địa chính trị. Quốc gia này có dân số đông thứ hai châu Phi, vì vậy, nền kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Truyền thông quốc tế cũng đánh giá, kể từ đầu những năm 2000, Ethiopia đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ấn tượng (trung bình trên 10%), đưa nước này trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Nhờ tốc độ tăng trưởng "chưa từng có" và tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng trong khu vực, Ethiopia đã trở thành "gã khổng lồ" mới nổi ở Đông Phi. Nước này đã phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ đang tích cực mua đất ở Ethiopia.

Tuy nhiên, trước tiên, theo bà Susanne Stollreiter, đất nước phải giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Ethiopia đang trên bờ vực vỡ nợ, thiếu ngoại tệ và lạm phát tràn lan. Điều này đang gây tổn hại cho người dân.

Nền kinh tế thế giới suy yếu, hậu quả của Covid-19 đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và xung đột ở Trung Đông đang ảnh hưởng tới Ethiopia.

Nhà phân tích Stollreiter kỳ vọng, nỗ lực kết nối với thế giới của Ethiopia sẽ đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng bằng cách mở rộng thương mại, thúc đẩy quan hệ với các đối tác thương mại và đầu tư.

Hỗ trợ tài chính từ BRICS

Một trong những ý tưởng sáng lập của BRICS là chống lại sự thống trị của phương Tây trong chính sách tài chính quốc tế. Gần 10 năm trước, họ bắt đầu thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) như một giải pháp thay thế cho các tổ chức quốc tế bap gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF. Khi NDB phát triển, Ethiopia có thể được hưởng lợi từ các hình thức tài trợ mới.

Chuyên gia Lukas Kupfernagel, người đứng đầu văn phòng Ethiopia của Quỹ Konrad Adenauer (KAS) nhận thấy, điều này có thể giúp đất nước châu Phi thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều kiện do phương Tây áp đặt để nhận được tín dụng từ IMF và thay đổi hoàn toàn tình hình.

Trong khi đó, ông Seife Tadelle Kidane từ Đại học Nam Phi cũng tin rằng, NDB có khả năng thúc đẩy BRICS tiến lên. Với sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng này, các nước có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định.

Nhưng cũng ông cảnh báo: "Không có sự hào phóng như vậy trong chính trị và kinh tế quốc tế. Mọi quốc gia đều đang lo cho chính mình. Ethiopia nên linh hoạt".

(theo DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-nhap-brics-tia-hy-vong-moi-cua-kinh-te-ethiopia-257720.html