Giá nhiên liệu tăng, ngư dân chồng chất khó khăn
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.880 tàu cá với tổng công suất hơn 142.000 CV. Trong đó có 211 tàu cá có chiều dài trên 15m thường xuyên tham gia khai thác trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bên cạnh thời tiết không thuận lợi, thiếu lao động đi biển, ngư dân còn đối mặt với nguy cơ 'nằm bờ' do giá nhiên liệu liên tục tăng cao.
Sau đợt điều chỉnh mới nhất ngày 1/3 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã đạt mốc cao nhất trong gần 10 năm qua. Trong đó, giá dầu diesel đang ở mức 21.310 đồng/lít, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao, dẫn đến chi phí cho mỗi chuyến biển cũng cao hơn rất nhiều khiến các tàu cá xa bờ công suất lớn của ngư dân đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn.
Tại cảng cá Cửa Việt những ngày này, nhiều tàu cá làm nghề lưới rê bùng nhùng, lưới vây, pha xúc vẫn đang hối hả chuẩn bị nhiên liệu, đá lạnh và những nhu yếu phẩm cần thiết để vươn khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, thuyền trưởng tàu cá vỏ thép số hiệu QT 93333TS làm nghề lưới rê bùng nhùng cho biết, ngoài ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi thì khó khăn lớn nhất mà ngư dân gặp phải thời điểm này là giá nhiên liệu tăng cao kéo theo chi phí cho một chuyến biển tăng lên nhiều lần.
Ông Hùng phân tích, so với cùng kỳ năm trước, giá dầu diesel đã tăng thêm khoảng 8.000 đồng/ lít. Với công suất 820 CV, trung bình mỗi chuyến biển từ 10 - 15 ngày tàu cá của ông tiêu tốn hơn 3.000 lít dầu diesel. Như vậy, tính ra mỗi chuyến biển chỉ riêng tiền nhiên liệu đã tăng thêm 25 triệu đồng. Không những thế, giá xăng dầu tăng cũng kéo theo các chi phí khác như đá lạnh, thực phẩm tăng lên. Dẫn đến chi phí cho một chuyến biển trước đây chỉ từ 60 - 80 triệu đồng thì nay đã tăng lên đến 100 - 120 triệu đồng. Trong khi giá thu mua hải sản của thương lái không tăng, thậm chí có thời điểm còn giảm thấp.
Ông Hùng cho biết, chuyến biển vừa rồi tàu cá của ông đánh bắt được hơn 1,2 tấn cá thu, thu về gần 150 triệu đồng. Nếu như trước đây, sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền được chia từ 8 - 10 triệu đồng thì nay chỉ còn chưa đầy 6 triệu đồng. “Dù khó khăn đến mấy, ngư dân chúng tôi vẫn phải gồng mình bám tàu, bám biển thôi. Chỉ mong sao sau khi trừ chi phí còn một ít để chia cho các bạn thuyền. Nhưng với giá nhiên liệu dự báo vẫn tiếp tục tăng, nếu nhà nước không có chính sách bình ổn thì nguy cơ tàu cá của ngư dân phải nằm bờ là khó tránh khỏi”, ông Hùng nói.
Không chỉ tàu làm nghề lưới rê bùng nhùng, lưới vây thường xuyên đánh bắt dài ngày trên biển chịu ảnh hưởng mà giá nhiên liệu tăng cũng trở thành một gánh nặng không hề nhỏ đối với các tàu làm nghề pha xúc khai thác cá duội. Ngư dân Nguyễn Thanh Chiến, chủ tàu cá QT 90099TS cho biết, với công suất 460 CV, bình quân mỗi đêm đánh bắt cá duội ở ngư trường đảo Cồn Cỏ tàu cá của anh tiêu tốn khoảng 300 - 400 lít dầu diesel. Với giá dầu trên 21.000 đồng/lít như hiện tại, chỉ riêng chi phí nhiên liệu đã mất 6 - 8 triệu đồng.
Trong khi do thị trường Trung Quốc vẫn đang đóng cửa nên giá thu mua cá duội để chế biến cá hấp giảm xuống chỉ còn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc anh và các bạn thuyền phải đánh được sản lượng nhiều hơn trước thì mới mong có lãi. “Để có thu nhập thì mỗi đêm tàu cá của tôi phải khai thác được từ 2 tấn cá duội trở lên. Nhưng bữa nay cá duội ngày càng ít, khó đánh bắt. Tàu cá làm nghề pha xúc thì ngày càng nhiều, không chỉ tàu cá trong tỉnh mà còn có tàu cá ngoại tỉnh. Với giá nhiên liệu như hiện nay thì mỗi chuyến ra khơi tôi và các bạn thuyền luôn thấp thỏm nỗi lo thua lỗ”, anh Chiến cho hay.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Viễn, cùng với khan hiếm lực lượng lao động đi biển, nguồn lợi thủy sản, giá các loại hải sản giảm sút thì việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến ngư dân do chi phí chuyến biển bị đội lên cao. Ông Viễn cho biết, Gio Linh có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh với trên 900 chiếc, trong đó có gần 170 tàu xa bờ công suất lớn. Do vậy, để ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản, cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích, huyện Gio Linh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ, hầm bảo quản để nâng cao sản lượng, chất lượng hải sản đánh bắt.
“Hiện tại hầu hết tàu cá của ngư dân huyện Gio Linh đều ra khơi đánh bắt với hy vọng đạt được sản lượng cao. Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu vẫn tiếp tục tăng cao thì nguy cơ sẽ có một số tàu cá của ngư dân phải nằm bờ”, ông Viễn thừa nhận.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.880 tàu cá với tổng công suất trên 142.000 CV. Trong đó có 211 tàu cá có chiều dài trên 15m thường xuyên tham gia khai thác trên các vùng biển xa.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam, trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao như hiện nay, để hạn chế ảnh hưởng, ngư dân cần tăng cường đánh bắt theo mô hình liên kết tổ, đội sản xuất trên biển. Theo đó, khi ra khơi, các tàu cá trong tổ đánh bắt gần nhau, thường xuyên liên lạc với nhau để thuận lợi trong việc chia sẻ ngư trường, luồng cá… Sau một thời gian đánh bắt trên biển, thay vì tất cả quay về bờ để bán hải sản thì sẽ chuyển toàn bộ số hải sản khai thác được qua hết một tàu cá chở về bờ tiêu thụ, những tàu cá còn lại tiếp tục đánh bắt. Tàu cá chở hải sản về bán xong khi quay lại ngư trường sẽ lấy thêm lương thực bổ sung cho những tàu cá đang ở lại đánh bắt trên biển.
Phương thức này vừa giúp tiết kiệm được nhiên liệu, vừa kéo dài thời gian đánh bắt, sản lượng khai thác cũng cao hơn. Bên cạnh đó, ngư dân cần tăng cường đầu tư thêm các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Chú ý đến việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt bằng việc sử dụng đá lạnh đảm bảo chất lượng, xây dựng hầm bảo quản bằng các vật liệu mới như PU, composite để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Chất lượng sản phẩm được nâng lên sẽ có giá bán cao hơn, bù đắp được phần nào chi phí tăng thêm do giá nhiên liệu”, ông Nam nhấn mạnh.