Giá như đường mai ở trung tâm TP.HCM không rực rỡ sắc màu... hoa giả?

Nếu hoa giả lên ngôi thì làm sao duy trì được các làng hoa và phát triển du lịch?

Những ngày cuối năm, kinh tế khựng lại, ngành du lịch phục hồi ngoạn mục sau đại dịch cũng chững lại, như ngựa đang phi nước đại bị ghìm cương. Dù ngổn ngang khó khăn sau dịch, dù COVID-19 và các biến thể rình rập cơ hội tái phát, nhưng dù thế nào vẫn không ngăn được mùa xuân về.

Dạo một vòng thành phố, thấy Sài Gòn rực rỡ sắc màu. Các hội Hoa Xuân có nhiều nét mới. Không có điệp khúc giải cứu nông sản. Dịch vụ bung hết cỡ nhưng người mua có phần dè dặt. Hoa tết tràn ngập với hàng ngàn điểm bán, có lẽ nhiều nhất cả nước, tạo nên không gian Tết rất Sài Gòn. Cuối năm, trời se lạnh. Thời tiết như chiều lòng người, như mời gọi người ta diện áo dài dạo Tết.

Các chợ hoa xuân Tết Quý Mão tại TP.HCM bắt đầu mở bán từ 23 tháng Chạp. Ảnh: H.Minh

Các chợ hoa xuân Tết Quý Mão tại TP.HCM bắt đầu mở bán từ 23 tháng Chạp. Ảnh: H.Minh

Hoa nhiều nhưng người mua ít. Chiều ngày 30 tháng Chạp năm nào cũng có cảnh đau lòng, hoa Tết bị đổ bỏ. Hoa đã cố hết sức, góp hương sắc làm đẹp cho đời, vì nhiều lý do, bị từ chối, bị vùi dập thảm thương. Xót hoa, thương người trồng nhọc công chăm sóc. Nhiều báo đưa tin “Hoa Tết mòn mỏi đợi người mua”, cứ như cô dâu chờ mà chú rể bặt vô âm tín.

Có nhiều nguyên nhân việc hoa bán chậm, ế hàng, mà theo tôi, một trong đó là thói chuộng hoa giả ngày càng lây lan. Từ trên bàn thờ, phòng khách cho tới đường phố, cổng chào...

Hoa giả rẻ hơn, màu mè hơn, dùng được hàng chục năm nhưng không có hồn hoa và không có hương thật. Đi nhiều nước, chỉ thấy Việt Nam và Trung Quốc chuộng hoa giả. Bàn thờ dùng hoa tươi, phải thay nước và bỏ lá úa mỗi ngày. Hoa giả, mỗi năm chỉ nhúng nước vài lần. Hoa giả, không thể có lòng thành kính thật.

Một điều cũng đáng lo là nhiều bạn trẻ rất thích chụp hình với hoa giả. Phải chăng, chuộng đủ thứ giả đã trở thành nét văn hóa ngày càng phổ biến của người Việt?

Hàng mai giả ở phố ông đồ. Ảnh: Thanh Huyên

Hàng mai giả ở phố ông đồ. Ảnh: Thanh Huyên

Năm 2017, tôi về Đồng Tháp làm tư vấn du lịch cho các địa phương trong tỉnh. Sau mấy buổi khảo sát Sa Đéc, chuyên gia có ý kiến với Hội đồng Nhân dân thành phố. Anh Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc lúc đó, hồ hởi: “Các chuyên gia thấy sao?”. “Tôi có được phép nói thật không?”. “Dân Nam bộ mà, anh cứ thoải mái”. Tôi nhỏ nhẹ: “Các anh không làm du lịch được!”.

Anh Tùng sững người “Căng, mới đi mấy buổi mà anh làm chúng tôi cụt hứng. Nhờ anh nói cụ thể dùm”.

Tôi từ tốn “Sa Đéc là thủ phủ hoa kiểng Việt Nam với hơn 600ha trồng gần 2.000 loai hoa, kiểng tự nhiên; cả trên mặt nước nhưng trong hội trường thành phố hôm nay, toàn hoa giả. Làm du lịch thế nào được!”. Cả hội trương đứng hình giây lát rồi vỗ tay rần rần. Anh Tùng liền nói ngay, “Bắt đầu từ ngày mai, cấm các đơn vị trực thuộc dùng hoa giả”. Lại vỗ tay rần rần.

Đi khắp Bhutan, quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới không thấy một cây và hoa giả nào. Tất cả đều thật. Họ thường chưng nguyên chậu vì dùng được lâu hơn và cắt cành sợ hoa đau. Trong nhà, họ chưng cỏ hoặc các loại dây leo, xanh tự nhiên và rất có hồn. Có lẽ nhờ vậy, người dân Bhutan cũng hiếu hòa, mến khách, chân thực?

Tôi không thích hoa giả. Ai thích là quyền của họ nhưng đừng biến thành phố thành trung tâm hoa giả ngày Tết. Hoa giả không có lỗi, lỗi là ở con người lạm dụng tùy tiện và vô tình tiếp tay cho tâm lý chuộng kính thưa đủ thứ giả, cực kỳ nguy hại.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/gia-nhu-duong-mai-o-trung-tam-tphcm-khong-ruc-ro-sac-mau-hoa-gia-c8a46940.html