Giá như sớm biết dừng lại…

Thời gian qua, một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng đưa ra xét xử, truy tố đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận.

Cụ thể như Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vừa ra cáo trạng truy tố 8 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Trường đại học Đồng Nai về các tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hay ngày 7-10, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D, chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) về tội nhận hối lộ…

Qua theo dõi các vụ án trên cho thấy, sai phạm của các bị can, bị cáo đều kéo dài, có hệ thống, có tổ chức, gây thất thoát, thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách nhà nước và nhân dân.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rất rõ về các hành vi tham nhũng. Cụ thể, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi…

Ngoài ra, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Quy định pháp luật đã rất rõ, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó đa phần là chủ quan, vì lòng tham mà không ít người vẫn cố tình vi phạm. Đến khi bị đưa ra xét xử, các bị cáo mới tỏ ra ăn năn, hối cải thì đã quá muộn. Nếu như trước đây, các bị cáo, bị can sớm biết dừng lại các hành vi sai trái gây thất thoát ngân sách nhà nước; biết từ chối nhận tiền hối lộ thì sẽ không phải vướng vòng lao lý như ngày nay.

Các vụ án nêu trên được đưa ra truy tố, xét xử thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; theo đúng quan điểm của Đảng là phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua đó góp phần làm nên những kết quả quan trọng đóng góp vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm; nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/gia-nhu-som-biet-dung-lai-c514569/