Giá nông sản đua nhau lập kỷ lục, nông dân thắng lớn

Không chỉ sầu riêng, gạo mà nhiều loại nông sản khác như mía, cà phê, khoai lang... giá cũng tăng cao kỷ lục. Nhờ vậy, người nông dân dịp này thắng đậm, trúng tiền tỷ sau mỗi vụ thu hoạch.

Nông dân trúng tiền tỷ nhờ bán nông sản giá cao

Nông dân ở Tây Nguyên những ngày này đang tất bật thu hoạch khoai lang. Vụ này dù sản lượng không được như mong đợi nhưng giá khoai lại cao kỷ lục khi đạt 15.000-20.000 đồng/kg.

Lý do là bởi nhu cầu tại thị trường nội địa và xuất khẩu tăng, trong khi nguồn cung giảm đẩy giá tăng cao kỷ lục. Nhờ vậy, chị Nguyễn Thị Hoài ở Gia Lai thu lãi gần 600 triệu đồng với 3ha khoai lang sau khi trừ đi chi phí sản xuất.

Ngoài khoai lang, nhà vườn trồng sầu riêng năm nay cũng trúng đậm tiền tỷ. Bởi, sầu riêng được thu mua tại vườn với giá cao kỷ lục lịch sử khi chạm mốc 150.000-190.000 đồng/kg.

Nông dân trồng sầu riêng thu lãi hàng tỷ đồng trên 1 ha (Ảnh: Tâm An).

Nông dân trồng sầu riêng thu lãi hàng tỷ đồng trên 1 ha (Ảnh: Tâm An).

Thời điểm hiện tại, giá sầu riêng dao động từ 45.000-80.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Ông Bùi Văn Quyển ở Sa Thầy (Kon Tum) khoe, gia đình ông vừa thu hoạch xong hơn 13ha sầu riêng với sản lượng 300 tấn. Trừ đi chi phí, gia đình ông thu về khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Mil (Đắk Nông) phấn khởi bởi gia đình ông năm nay trúng đậm cả vụ sầu riêng lẫn cà phê. Đặc biệt, sau mấy chục năm trồng cà phê, chưa bao giờ ông bán được giá cao như năm nay.

Năng suất cà phê tái canh của gia đình ông đạt 6 tấn/ha. Với mức giá 55.000-60.000 đồng/kg như đợt vừa rồi, ông thu về khoảng 2 tỷ đồng từ 6ha cà phê. Trong khi, cà phê tái canh chỉ cần bán giá 30.000 đồng/kg đã có lời nhẹ. Thế nên, năm nay sau khi trừ đi chi phí, ông lãi tiền tỷ.

Tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2022-2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, các nhà máy thu mua khoảng 9,64 triệu tấn mía, sản xuất khoảng gần 940.000 tấn đường các loại. So với vụ trước đó, sản lượng mía ép tăng 28%, sản lượng đường tăng 25%.

Đáng chú ý, giá mía trên cả nước đang đạt kỷ lục ở mức từ 1,2-1,3 triệu đồng/tấn thu mua tại ruộng, giúp nông dân trồng mía lãi vài chục triệu đồng mỗi ha.

Từ nửa cuối tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua do nguồn cung trên toàn cầu thiếu hụt. Kéo theo, giá các loại lúa ở ĐBSCL cũng tăng cao kỷ lục.

Những ngày này ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và Cần Thơ,... người nông dân bắt đầu thu hoạch vụ lúa Thu Đông. Thương lái mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá từ 8.000-8.600 đồng/kg.

Giá lúa ở mức cao kỷ lục giúp nông dân thu lãi gấp đôi năm ngoái (Ảnh: Hồ Hoàng Hải).

Giá lúa ở mức cao kỷ lục giúp nông dân thu lãi gấp đôi năm ngoái (Ảnh: Hồ Hoàng Hải).

Ông Trần Văn Huy - thương lái mua lúa tại ĐBSCL - thừa nhận, ông làm nghề này được gần 20 năm, đây là năm đầu tiên ông thấy giá lúa tươi mua tại ruộng cao như vậy. Năm ngoái, ông mua lúa giá 6.600 đồng/kg, nay tăng lên 8.200 đồng/kg. Mức giá này giúp nông dân trồng lúa lãi gấp đôi vụ cùng kỳ năm ngoái.

Ở các vựa dừa tại miền Tây, dừa được thu mua 70.000-80.000 đồng/chục (12 quả), cao gấp 2,5 lần so với hồi đầu năm nay. Nhờ đó, nông dân lãi gần 100 triệu đồng/ha.

Đi đường chính ngạch, chớp thời cơ vàng

Nhìn nhận về ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khó khăn vẫn còn, nhưng những mặt tích cực đang lấn át. Xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kỷ lục trong thời gian dài, một số mặt hàng đã vươn lên chiếm lĩnh được thị trường quan trọng.

Thực tế, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của nước ta liên tiếp lập kỷ lục mới. Tính đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả chính thức lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua con số 3,81 tỷ USD của năm 2018.

Tương tự, xuất khẩu gạo cũng thu về 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn, có thời điểm vọt lên mức 650 USD/tấn - lập đỉnh lịch sử.

Tháng 8 vừa qua, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng mạnh 29,7% so với tháng 8/2022. Giá bình quân xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đạt 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, nhận xét, chưa bao giờ ngành hàng cà phê rơi vào tình trạng hết hàng để bán. Giá cà phê lên mức kỷ lục 71.000 đồng/kg, cao nhất trong 30 năm qua.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho hay, thời gian qua, nước ta đã ký được các ký nghị thư để xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Cùng với đó, mở được nhiều thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt, mới đây nhất là quả dừa.

“Đây là bước đệm để xuất khẩu rau quả bật tăng mạnh trong những tháng qua”, ông nói.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu nông sản chuyển sang chính ngạch nên bền vững hơn. Đặc biệt, chúng ta đã chớp được cơ hội vàng trong xuất khẩu gạo, cà phê khi nguồn cung trên toàn cầu bị “thắt chặt". Nhờ đó, nông dân tăng thu nhập, thậm chí thu được tiền tỷ.

Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới...

Riêng về Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường này đánh giá cao các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định, đặc biệt là với mặt hàng dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch; xuất khẩu sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu. Nếu giải quyết đồng bộ các mặt hàng này thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn nhiều, ông nói.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-nong-san-dua-nhau-lap-ky-luc-nong-dan-thang-lon-2195472.html