Giá nông sản thế giới sụt giảm trước nhiều thông tin trái chiều
Trong tuần vừa qua, các loại nông sản trên sàn CBOT giao dịch tương đối giằng co; trong đó, giá ngô và đậu tương chịu tác động từ nhiều thông tin trái chiều. Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 30/7), giá các loại nông sản chính trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều giảm mạnh.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 11,25 cents xuống còn 5,45 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm tới 28,50 cents, còn 13,49 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Mặt hàng lúa mì cũng chịu áp lực giảm nhẹ 1,50 cents xuống mức 7,0375 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).
Đối với mặt hàng ngô, Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hóa tại Việt Nam, cho biết tình trạng sương giá bất thường tiếp tục tác động nghiêm trọng đến các khu vực trồng ngô chính tại Brazil, khiến sản lượng ngô vụ Safrinha (mùa vụ thứ hai trong năm) của nước này sẽ sụt giảm mạnh.
Bang Parana, bang có sản lượng nông sản lớn thứ hai tại Brazil, đã phải giảm dự báo sản lượng ngô vụ Safrinha đến 40%, xuống chỉ còn 6,1 triệu tấn. Vụ ngô Safrinha của Brazil đã chịu tác động tiêu cực bởi hạn hán hồi đầu vụ canh tác. Thông thường, sản lượng ngô vụ Safrinha chiếm tới 75% tổng sản lượng ngô hàng năm của Brazil.
Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới tuần qua của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.
Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (CONAB) đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng ngô của Brazil trong niên vụ 2020/2021 xuống còn 93,38 triệu tấn. Đây là mức sản lượng ngô thấp nhất của Brazil kể từ niên vụ 2017/2018. Đồng thời, lượng ngô được Brazil nhập khẩu trong năm nay được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần lên mức 4 triệu tấn so với mức thông thường nhằm bù đắp sản lượng nội địa suy giảm.
Trong khi đó, dự báo thời tiết tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tình trạng khô nóng khiến quá trình sinh trưởng của cây ngô tại đây vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Dữ liệu tổng hợp của Công ty Cổ phần Saigon Futures cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 25/7 chỉ có 18% diện tích canh tác ngô của Hoa Kỳ bước vào giai đoạn tạo bột, thấp hơn mức 20% của cùng kỳ năm trước. Diện tích canh tác ngô được đánh giá trong điều kiện “tốt đến tuyệt vời” cũng chỉ đạt 64%, thấp hơn đáng kể mức 72% của cùng kỳ năm trước.
Mặc dù nguồn cung ngô toàn cầu có dấu hiệu suy giảm nhưng việc Trung Quốc có khả năng giảm đến 30% lượng ngô nhập khẩu trong niên vụ mới khi sản lượng ngô nội địa nước này tăng lên đã phủ bóng đen lên tâm lý thị trường.
Bên cạnh đó, Tập đoàn thực phẩm Sinograin thuộc Chính phủ Trung Quốc, trong thời gian gần đây, liên tục tổ chức đấu giá bán ra lượng lớn ngô bất chấp nhu cầu trên thị trường tương đối trầm lắng. Nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc tại Trung Quốc đang ở mức thấp do ngành chăn nuôi nước này tăng cường sử dụng lúa mì thay thế ngô khi giá lúa mì thấp hơn hẳn giá ngô.
Đối với mặt hàng đậu tương, giá đậu tương đang được hỗ trợ bởi thông tin tắc nghẽn xuất khẩu tại cảng nội địa Rosario, Argentina. Mực nước sông xung quanh khu vực cảng Rosario giảm kỷ lục đang buộc các tàu hàng xuất khẩu ngũ cốc phải giảm tải đến 40% trong giai đoạn từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 tới đây.
Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết khoảng 70% tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu và 96% tổng lượng khô đậu tương cũng như dầu đậu nành xuất khẩu của Argentina là được vận chuyển qua cảng Rosario.
Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) đã hạ ước tính lượng đậu tương xuất khẩu của Brazil trong tháng 7/2021 xuống còn 8,447 triệu tấn, giảm mạnh 11,7% so với mức ước tính cách đây 1 tuần.
Tình trạng thời tiết khô nóng tại Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng và sản lượng đậu tương của Hoa Kỳ. Tính đến tuần kết thúc vào ngày 25/7, chỉ có 58% diện tích canh tác đậu tượng tại Hoa Kỳ được đánh giá có tình trạng “tốt đến tuyệt vời”, thấp hơn nhiều so với mức 72% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tồn kho đậu tương của Trung Quốc trong tuần kết thúc vào ngày 22/7 đã tăng lên 7,32 triệu tấn – mức cao nhất trong vòng 7 tháng vừa qua. Trong khi đó, tồn kho dầu đậu tương của nước này cũng chạm mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 920.000 tấn. Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng đậu tương tại Trung Quốc đang ở mức thấp.
Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hóa được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Hiện Saigon Futures cung cấp các báo cáo phân tích thị trường định kỳ và miễn phí 100% phí cố định phần mềm giao dịch cho khách hàng mới.