Giá nước sông Đuống cao bất thường: Bất công với người dân
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc, đảm bảo sự công bằng của người dân và doanh nghiệp khác.
Bất công với người dân, doanh nghiệp khác
Liên quan đến vấn đề Hà Nội xác định giá nước sạch sông Đuống quá cao tối đa 10.246 đồng/m3, và giá tạm tính bán buôn là 7.700 đồng/m3, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, đây là một điều bất thường, và là sự bất công đối với người dân, với doanh nghiệp khác.
“Nếu anh để cho cạnh tranh thì cạnh tranh thoải mái đi, tại sao anh phân phía đông doanh nghiệp này phía tây doanh nghiệp khác và phía đông giá này, phía tây giá khác. Đấy là sự vô lý, thứ nhất là sự bất công giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, bất công của người dân ở khu vực kia thì được hưởng rẻ, ở khu vực này thì phải hưởng đắt”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề.
Không đồng tình với giải thích của TP Hà Nội về vấn đề xác định giá nước theo tỷ suất đầu tư và công nghệ sản xuất nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, điều người dân quan tâm là nước đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia quy định và có giá cả phù hợp với mặt bằng giá chung của các công ty cung cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, chứ không thể cao một cách bất thường, hơn gấp đôi như vậy.
Theo vị đại biểu đoàn Bến Tre này, nước là dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế và người dân. Chúng ta chấp nhận xã hội hóa cho doanh nghiệp tham gia cung cấp theo kinh tế thị trường, tuy nhiên Nhà nước phải kiểm soát được về mọi mặt, không thể để tồn tại sự vô lý cùng mặt hàng, cùng địa bàn nhưng nơi bán giá cao, nơi bán giá thấp.
“Nếu làm như thế, Nhà nước đã tự làm xấu đi trong mắt của người dân, đã không làm tròn được chức trách của mình, không điều hòa được để tất cả những người dân trong phạm vi quản lý của mình phải được hưởng sự bình đẳng như nhau. Cái này là sai, chứ không phải là đúng”, đại biểu Nhưỡng nhìn nhận.
Nên kiểm toán chi phí, giá thành nước sạch sông Đuống
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đối với cung cấp dịch vụ công như nước, điện, phải đảm bảo chất lượng theo quy định và giá cả hợp lý. Người dân chỉ cần biết tiêu thụ 1 m3 nước đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và phải trả bao nhiêu tiền; còn công nghệ, Nhà nước mới là người kiểm soát.
Đại biểu Sinh cho biết, vừa là người dân tiêu thụ nước vừa là trách nhiệm của đại biểu nhân dân, đại biểu có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và giải trình trước nhân dân việc này. “Nói do nhà đầu tư phải đi vay và tính lãi vào đó, vậy quy trình tổ chức đầu tư đúng hay không đúng? Tôi đề xuất, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải đi vào làm rõ nội dung ra, chứ không thể để thông tin mập mờ như vậy”, đại biểu Sinh nói.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì cho rằng, dù đơn vị sản xuất nước là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân cũng không thể chấp nhận được việc lợi dụng những khó khăn như tình trạng thiếu nước của người dân để tăng giá. Đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước cần phải vào cuộc làm việc với doanh nghiệp để tính toán những vấn đề liên quan cho dân vì giá nước 10.246 đồng/m3 là quá cao so với mặt bằng giá nước chung.
“Khi giá nước quá cao, Nhà nước cần có sự bù lỗ cho người dân. Tuy nhiên, bù lỗ phải hợp lý, không khéo bù lỗ đó vô tình đóng góp cho các doanh nghiệp đầu cơ về nước để họ tăng giá, để thu lợi nhuận cao hơn. Không loại trừ trong đó, đó là sân sau. Cơ quan tài chính phải đi vào cuộc, giám sát, kiểm tra rồi thẩm duyệt giá này có phù hợp hay không?”, ông Hòa nhấn mạnh.
Nhà máy Nước mặt Sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, mục tiêu cung cấp nước sạch cho khu vực phía Nam và Đông Bắc TP Hà Nội (gồm Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và Quận Hà Đông) với số dân khoảng 3 triệu người. Hiện nhà máy đã hoàn thành quy mô giai đoạn 1 đạt 300 nghìn m3/ngày đêm; đến năm 2025 hoàn thành giai đoạn 2 với 600 nghìn m3/ngày đêm; năm 2030 hoàn thành giai đoạn 3 với 900 nghìn m3/ngày đêm. TP Hà Nội từng xác định sẽ hỗ trợ giá nước cho các đơn vị bán lẻ nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống với mức 200 tỷ mỗi năm sau khi Công ty này quyết toán.
Trong khi mức giá của nước sạch sông Đà là 5.000 đồng/m3, nước sạch Lương Yên là gần 7.000 đồng/m3 đã có lãi, thì nước sạch sông Đuống đang áp dụng mức giá bán tạm tính là 7.700 đồng/m3, còn mức giá do TP Hà Nội phê duyệt lên tới 10.246 đồng/m3. Trong cuộc họp báo chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Giá nước sông Đuống đã tính đúng, tính đủ theo quy định, trong đó chi phí lãi vay 20% được tính và phân bổ vào giá bán nước. Điều này đã làm giá thành đội lên rất cao.