Giá phân bón nhập khẩu giảm mạnh

6 tháng năm 2023, giá phân bón nhập khẩu trung bình 346 USD/tấn, giảm 27,3% so với 6 tháng năm 2022.

6 tháng, phân bón nhập khẩu giảm 27,3% về giá so với cùng kỳ

Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 6/2023 cả nước nhập khẩu 415.200 tấn phân bón, tương đương 131 triệu USD, tăng mạnh 79,4% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch so với cùng kỳ.

Tính chung trong 6 tháng năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá trên 589 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, giảm 30,4% về trị giá.

Giá phân bón nhập khẩu 6 tháng trung bình 346 USD/tấn, giảm 27,3% về giá so với 6 tháng năm 2022.

Giá phân bón nhập khẩu nửa đầu năm 2023 đã giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Báo Công Thương

Giá phân bón nhập khẩu nửa đầu năm 2023 đã giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Báo Công Thương

Theo báo Đầu tư, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 50,2% trong tổng lượng và chiếm 46,5% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 854.000 tấn, tương đương 274 triệu USD, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu từ thị trường này cũng giảm 22%.

Lào là thị trường cung cấp phân bón lớn thứ 2 cho Việt Nam, với 107.300 tấn, tương đương 42,6 triệu USD, tăng 34,2% về lượng, nhưng giảm 7% về trị giá.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 230.600 tấn, tương đương 90,07 triệu USD, tăng 54,8% về lượng, nhưng giảm 2,9% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,32 triệu tấn, tương đương 418 triệu USD, tăng 3,7% về lượng, giảm 20,3% về trị giá.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 192.593 tấn, tương đương 30 triệu USD, giảm 31% về lượng, giảm 68,3% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 11,3% trong tổng lượng và chiếm 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhìn chung, trong 6 tháng năm 2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường giảm cả về khối lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng giá phân bón nhập khẩu đi xuống có lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Với riêng thị trường ure, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón lớn trong nước nhận định: Hiện giá ure thế giới có chiều hướng nhích nhẹ. Nhưng giá ure trong nước dự kiến vẫn ổn định, có thể tăng một chút ít không đáng kể do nguồn cung ổn. Hiện ure trong nước đã dư thừa (công suất cả nước sản xuất được xấp xỉ 3 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm). Chính vì thế nên nguồn cung ure trong nước không có biến động, doanh nghiệp ure trong nước đã và đang hướng tới xuất khẩu.

Giá phân bón toàn cầu "nhảy múa" liên tục trong giai đoạn 2021-2022 do tác động từ đại dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga - Ukraine, Nga đã tạm dừng xuất khẩu nhiều mặt hàng trong đó có phân bón.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Nhất là sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.

Giá phân bón dự kiến giảm 40% trong năm nay

Liên quan đến vấn đề này, theo báo Công Thương, cuối tháng 5, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt đã đưa ra báo cáo ngành phân bón 2023. Theo đó, nguồn cung phân bón trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm nay và nhu cầu sử dụng cũng phục hồi nhẹ. Nguồn cung tăng nên giá phân bón các loại như phân Ure, Kali và DAP có thể giảm tới 40% so với năm 2022.

Về nguồn cung, trong năm 2022, nguồn cung phân bón bị thắt chặt do Trung Quốc và Nga đều hạn chế xuất khẩu phân bón. Tuy nhiên, đến 2023, cả hai “cường quốc” về phân bón này đã dỡ bỏ, gia tăng hạn ngạch xuất khẩu phân bón.

Cụ thể, từ cuối năm 2022, Nga đã nâng mức tăng hạn ngạch xuất khẩu phân đạm từ 8,3 triệu tấn lên gần 11,8 triệu tấn đến tháng 5/2023. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất phân bón mới bổ sung trong giai đoạn 2020-2022 ở Ấn Độ, Nigeria, Brunei, 3 nhà máy ở Nga và 10 nhà máy ở Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay.

Thông tin từ Financial Times (Anh) cũng cho biết lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) ở mức cao kỷ lục sau một mùa đông ôn hòa hơn dự đoán, củng cố hy vọng rằng khối này có thể từ bỏ việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Theo số liệu của Cơ quan Công nghiệp Cơ sở Hạ tầng Khí đốt Châu Âu, tổng dung lượng lưu trữ của khối này đạt 55,7% công suất - mức cao nhất vào đầu tháng 4 kể từ năm 2011. Đồng thời, trong báo cáo thị trường khí đốt quý 1/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh giảm dự báo giá khí đốt trung bình năm 2023 khoảng 70%, xuống còn khoảng 11 USD/mmBTU so với báo cáo tháng 10/2022. Do đó, nhiều khả năng các nhà máy sản xuất phân bón Ure chạy bằng khí ở Châu Âu vốn đã ngừng sản xuất vào năm 2022 sẽ hoạt động trở lại vào năm 2023.

Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) đưa ra kịch bản lạc quan cho thị trường phân bón với nguồn cung năm 2023 tăng 2,2% so với năm 2022, đạt 263 triệu tấn. Trong đó, sản lượng phân đạm, phân lân và phân kali lần lượt tăng 0,7%; 2,7% và 6,9% so với năm 2022. Ngoài ra, hãng nghiên cứu thị trường S&P Global cũng dự đoán nguồn cung phân Ure trên toàn cầu trong năm nay cũng tăng 1,5% so với năm 2022.

Chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, nhu cầu tiêu thụ phân bón trên toàn cầu sẽ phục hồi trở lại trong năm 2023 sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2021 và 2022. Cụ thể, IFA dự báo nhu cầu phân bón năm nay tăng 195,8 nghìn tấn, tương đương mức tăng 1,5% từ mức thấp trong năm 2022.

Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%, nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước.

Đối với Ure, dự báo của hãng S&P Global cho biết giá phân bón Ure các loại sẽ giao động từ mức 400-430 USD/tấn trong năm nay, giảm 38% so với năm 2022. Mức giá này cũng giảm rất thấp so với giá xấp xỉ 1.000 USD/tấn hồi đầu năm 2022.

S&P Global cũng nhận định giá phân bón Ure có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023 cho đến khi có nhu cầu lớn từ thị trường lớn như Ấn Độ và Brazil bước vào mùa vụ.

Ngoài ra, Nga áp mức thuế xuất khẩu phân bón mới 23,5% đối với các sản phẩm Ure có giá trên 450 USD/tấn, có hiệu lực từ 01/01/2023 đến 31/12/2023. Do đó, các nhà xuất khẩu Ure của Nga sẽ thiết lập giá sàn thấp (dưới mức giá 450 USD) trong năm 2023 vì thuế xuất khẩu khuyến khích các nhà xuất khẩu Nga bán Ure dưới mức giá này trong suốt cả năm. Với chi phí sản xuất trung bình ước tính khoảng 156 USD/tấn Ure (theo giá FOB) trong 2023, giá phân bón Ure dưới 450 USD vẫn mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà sản xuất phân bón tại Nga.

Đối với giá phân bón Kali, Ngân hàng Thế giới dự báo giá phân bón Kali trung bình năm 2023 ở mức 500 USD/tấn, giảm 40% so với năm ngoái do nguồn cung phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu. Trong trung hạn, nguồn cung phân bón Kali trong giai đoạn 2022 – 2025 dự kiến phục hồi ở mức thấp do việc chậm trễ trong việc mở rộng công suất ở khu vực Đông Âu, chiếm khoảng 60% trong tổng nguồn cung tăng thêm trong giai đoạn trên.

Đối với giá phân bón DAP, Chứng khoán Bảo Việt cho biết Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có thể gỡ bỏ việc áp đặt hạn ngạch đối với phân lân trong nửa cuối năm nay. Chứng khoán Bảo Việt dẫn ước tính của hãng sản xuất phân bón DAP lớn nhất Hoa Kỳ Mosaic cho biết Trung Quốc sẽ xuất khẩu 4,48 triệu tấn DAP và 1,68 triệu tấn MAP trong năm nay, lần lượt tăng 21,4% và 2,1% sso với năm 2022. Tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP này ước tính chiếm 90% sản lượng xuất khẩu phân lân của Trung Quốc trong năm 2023.

Do đó, giá phân bón DAP năm 2023 được hãng nghiên cứu Fitch Rating ước tính ở mức 550 USD/tấn, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-phan-bon-nhap-khau-giam-manh-a617767.html