Giá phân bón tăng cao
Về việc giá phân bón tăng thời gian qua, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chỉ ra nguyên nhân là giá nguyên liệu đầu vào, bao gồm amoniac tăng tới 31,4% trong khi giá lưu huỳnh cũng gấp đôi.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu tại buổi họp báo.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 17-6.
Lý giải về nguyên nhân giá phân bón tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay, ông Lê Triệu Dũng dẫn chứng, với phân DAP và MAP, nguyên liệu chính là lưu huỳnh và amoniac có mức giá tăng cao. Cụ thể, giá lưu huỳnh nhập về các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn, lên 208 USD/tấn; còn giá amoniac tăng 31,4%, tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Ngoài ra, giá vận chuyển, logistics tăng từ 3-5%...
“Giá phân bón tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, từ nguyên liệu sản xuất đến chi phí vận tải tăng”, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh. Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình cung cầu. Riêng mặt hàng phân bón DAP và MAP, bảo đảm đủ nguồn cung.
Lý giải thêm về nguyên nhân giá phân bón tăng, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hầu hết phân bón vận chuyển về Việt Nam bằng container trong khi so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí chuyển hàng bằng container đã tăng gấp 5 lần. Mặt khác, hiện Trung Quốc có chính sách đánh thuế xuất khẩu phân urê ở mức 30%. Ngoài ra, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, vì vậy, giá phân bón của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.
“Hiện nay, Việt Nam sản xuất urê theo hai nguồn, bằng than và bằng khí. Trong khi giá hai nguyên liệu này đều tăng rất cao. Do đó, theo đánh giá của tôi, giá phân bón sẽ còn neo cao từ nay đến hết năm”, ông Lưu Hoàng Ngọc nói.
Theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, từ kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón vô cơ, hữu cơ được giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo nguồn cung với thị trường. Theo ông Lê Triệu Dũng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình, đồng thời kiến nghị giải pháp theo đúng quy định.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1003069/gia-phan-bon-tang-cao