Giá quặng sắt giảm mạnh 4%

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Nông sản là nhóm mặt hàng duy nhất duy trì được sắc xanh. Trong khi đó, nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp chịu sức ép bán rất mạnh, đóng góp chủ yếu vào đà giảm chung của toàn thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Như vậy, trong 7 ngày giao dịch gần nhất, chỉ số hàng hóa này đã có đến 6 ngày sụt giảm, phản ánh xu hướng suy yếu của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trên 3.700 tỷ đồng.

Đóng cửa ngày 25/9, bảng giá thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,93% xuống mức 23,38 USD/ounce. Giá bạch kim giảm ít hơn khi giảm 1,78%, chốt phiên tại 917,5 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần 3 tuần nay. Trong khi đó, giá vàng đóng cửa tại 1.915,66 USD/ounce sau khi giảm 0,48%.

MXV cho biết, đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì mức cao là yếu tố chính gây sức ép lên nhóm kim loại quý.

Hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Chicago, Austan Goolsbee, đồng thời là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã có bài phát biểu với đài CNBC. Ông cho biết, lạm phát đang ở mức cao hơn nhiều so mục tiêu là một rủi ro lớn của FED và tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đưa lạm phát về mức 2%. Điều này củng cố cho quan điểm của Chủ tịch FED Jerome Powell trong phiên họp lãi suất ngày 19-20/9.

Lo ngại lãi suất cao tiếp tục củng cố cho đà tăng của đồng USD, với chỉ số Dollar Index tăng 0,39%, lên mức 106 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên lực mua bạc và bạch kim. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 16 năm, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá tất cả các mặt hàng đồng loạt giảm giá do chịu sức ép kép từ yếu tố vĩ mô và tín hiệu tiêu thụ kém lạc quan. Giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt ghi nhận mức giảm lần lượt là 0,7% và 4,17%. Giá đồng đóng cửa tại mức 3,67 USD/pound và giá sắt đóng cửa tại 116,13 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng hai tuần.

Về yếu tố vĩ mô, đồng USD tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn của hàng hóa, do đây là đồng tiền được sử dụng chủ yếu trong hoạt động giao dịch thương mại quốc tế. Về tiêu thụ, sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn đang là lực cản chính cản trở tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản.

Cuộc khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ khi vào Chủ Nhật vừa qua, nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã tuyên bố không thể phát hành khoản nợ mới. Điều này đã khiến cổ phiếu của tập đoàn này giảm hơn 20% vào hôm qua, trong khi chứng khoán bất động sản Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 9 tháng.

Có thể thấy rằng, lực hỗ trợ từ các biện pháp cứu trợ của Chính phủ Trung Quốc đang dần phai nhạt, các biện pháp đa số chỉ mang tính chất trấn an thị trường trong thời gian ngắn và không đủ lực vực dậy thị trường bất động sản còn yếu kém.

Hơn nữa, kết quả cuộc khảo sát của công ty tư vấn Mysteel được công bố vào ngày 25/9 cho thấy, chỉ có 42% công ty xây dựng của Trung Quốc có kế hoạch bổ sung hàng tồn kho trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 7 ngày, trong khi đó, 58% công ty không có kế hoạch, cho thấy nhu cầu tiêu thụ còn yếu.

Trong khi đó, có khoảng 34% công ty cho rằng giá thép sẽ giảm sau kỳ nghỉ lễ, tỷ lệ này gấp hơn 2 lần so tỷ lệ số công ty kỳ vọng giá thép sẽ tăng, ở mức 16%.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-quang-sat-giam-manh-4-post774439.html