Giá rớt thê thảm, người trồng rầu vì trái sầu riêng
Khó ai ngờ rằng, mới mùa thu hoạch năm ngoái, sầu riêng là loại trái cây thời thượng, mỗi hécta cho thu nhập bạc tỷ, thì nay người trồng sầu riêng đầy lo lắng trước nguy cơ đối mặt vụ mùa thất thu.
Hiện nay, tại một số vùng chuyên canh sầu riêng trong nước đang vào chính vụ thu hoạch. Nỗi lo “sầu riêng” thành “sầu chung” ngày càng lớn vì xuất khẩu quá khó, dẫn đến giá bán sầu riêng rớt thê thảm.
Sầu riêng đổ ra đường bán lẻ
Những ngày đầu tháng 5, sầu riêng rớt giá thảm hại. Hiện ở khu vực ĐBSCL, giá sầu riêng Ri 6 tại nhà vườn dao động từ 42.000-45.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong loại 1 có giá 70.000 đồng/kg và loại 2 khoảng 50.000 đồng/kg. Sầu riêng đang bước vào chính vụ nhưng với giá bấp bênh như hiện tại thì người trồng sẽ khó bán do sợ lỗ, còn neo cao thì không ai mua.
Trong khi đó, ghi nhận dọc hai bên quốc lộ 61C (đoạn qua địa phận huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); quốc lộ 57, đoạn qua địa phận huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre); quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều nhà vườn bày bán sầu riêng giá rẻ, chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Giải thích tại sao giá bán ở lề đường thấp hơn trong vườn, bà Lê Thị Tuyền, ngụ thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, do đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, nhưng thương lái thu mua quá khắt khe, lựa bỏ nhiều, nên gia đình phải “tự giải cứu” bằng cách bán lẻ ven đường với giá rất thấp.
Chị Nguyễn Ngọc Thủy, một nhà vườn ở huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) cũng rơi vào cảnh tương tự. Thay vì chờ thương lái đến mua, chị cùng người thân trong gia đình mang sầu riêng đi bán lẻ, đồng thời đăng bán sầu riêng qua các hội, nhóm trên mạng xã hội.
“Sầu riêng được phân loại ra bán, chúng tôi cũng không sử dụng chất bôi đầu cuống kích chín nên được người dân chọn mua nhiều hơn, cũng hạn chế sầu riêng chín đồng loạt bán không kịp. Mùa này vất vả nhưng đành phải chịu”, chị Thủy than thở.

Nhà vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đem sầu riêng ra quốc lộ 1 bày bán lẻ. Ảnh: NGỌC PHÚC
Bà Chín Tươi, một nông dân tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) bức xúc kể, sầu riêng của bà đã được doanh nghiệp (DN) đặt cọc mua nhiều năm liền để xuất khẩu với giá bán ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, DN lại đặt ra một yêu cầu về điều kiện xét nghiệm trái sầu riêng, nếu không có tồn dư chất Cadimi sẽ thu mua với giá cao.
“Cadimi là vấn đề nhạy cảm, các chủ vườn không thể chấp nhận rủi ro. Nếu xét nghiệm trái sầu riêng có nhiễm chất Cadimi, DN không mua, thông tin này lọt ra ngoài thì nhà vườn bán sầu riêng cho ai? Do vậy, nhà vườn chúng tôi đành bán giá thấp xuống một chút, DN mua xong đem về xưởng xét nghiệm theo kiểu may rủi. Tuy nhiên, đang vào vụ thu hoạch nhưng bán kiểu này thì DN mua rất ít hoặc không mua nên không chỉ vườn tôi mà nhiều nhà vườn khác đành phải đem bày bán ven đường và tại các chợ, khu phố”, bà Chín Tươi nói.
Doanh nghiệp thấp thỏm
Nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường chính của trái sầu riêng Việt Nam. Từ khi 2 nước ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, sầu riêng tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm Cadimi và chất vàng 0 mới được thông quan, nếu phát hiện tồn dư, các mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng sẽ bị đình chỉ.

Doanh nghiệp thu mua sầu riêng tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang gặp khó do vướng các khâu kiểm định chất lượng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Là DN xuất khẩu trái cây số lượng lớn, trong đó chủ lực là sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhưng đến thời điểm này, Công ty Vina T&T vẫn chưa xuất khẩu lô sầu riêng nào do vướng các khâu kiểm định chất lượng. Với quy mô nhỏ, một số DN vẫn “túc tắc” gom sầu riêng nhưng thấp thỏm lo âu vì sợ không xuất khẩu được.
Ông Võ Tấn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Ngọc, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), cho biết, công ty vẫn đang thu gom sầu riêng tại các nhà vườn để xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên số lượng giảm nhiều so với năm 2024 vì cần phải đem sầu riêng đi kiểm định.
Theo ông Minh, để mua đầy một container khoảng 20 tấn sầu riêng, DN phải mua từ nhiều nhà vườn, mỗi nơi một ít, không đồng nhất nên việc xét nghiệm rất khó khăn. Hơn nữa, hiện nay có rất ít điểm xét nghiệm Cadimi, chất vàng 0. Nếu sầu riêng không có giấy kiểm nghiệm dư lượng chất Cadimi và chất vàng 0 sẽ không được thông quan.
Trước đây, phía Trung Quốc chỉ kiểm soát Cadimi khoảng 2/100 container sầu riêng, nhưng bây giờ kiểm tra 100/100 container. Việc kiểm soát chặt chẽ này diễn ra từ 7-10 ngày mới xong, trong khoảng thời gian này sầu riêng bắt đầu chín nên sẽ bị trả về Việt Nam. Đã có những DN thiệt hại hàng chục tỷ đồng khi hàng đưa lên cửa khẩu biên giới, không được thông quan buộc phải quay đầu.
Trước thực trạng trên, ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang thông tin, khi thị trường siết chặt rào cản kỹ thuật, sầu riêng Việt Nam buộc phải tuân thủ chất lượng, minh bạch về nguồn gốc. Vì vậy, các DN xuất khẩu đã không sử dụng chất cấm để nhúng tạo màu cho trái sầu riêng nữa.
Tuy nhiên, có trường hợp DN báo cáo đã ngưng nhúng chất tạo màu nhưng khi kiểm tra lô hàng vẫn có tồn dư chất vàng 0. Một số doanh nghiệp giải thích, có thể do các dụng cụ trong nhà xưởng trước đây đã bị chất vàng 0 bám dính nên khi dùng các dụng cụ này để sơ chế sầu riêng nên bị bám vào. Hiện hiệp hội đã khuyến cáo các DN xuất khẩu đã bị “tuýt còi” thay đổi một số dụng cụ sản xuất mới trong nhà xưởng để thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu.
“Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ các chi phí kiểm nghiệm Cadimi và chất vàng 0 của các phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc và Việt Nam công nhận. Đồng thời, kiến nghị ngành chức năng tỉnh Tiền Giang mở thêm trung tâm kiểm nghiệm tại Tiền Giang để thuận tiện trong việc thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng sầu riêng”, ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang nói.