'Gia tài' của Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự

Trong 5 năm (2019 - 2024), 167 đề tài, nhiệm vụ khoa học được tổ chức thực hiện ở các cấp; hơn 250 nhiệm vụ kỹ thuật, 87 công trình, sáng kiến áp dụng trong toàn quân đã phát huy hiệu quả và có tính ứng dụng cao; 2 công trình đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - VIFOTEC; 15 công trình, sáng kiến đạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội…Đó là con số ấn tượng minh chứng cho những thành công và định hướng đúng đắn của Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự (KTCGQS), Tổng cục Kỹ thuật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Gia tài là những sản phẩm, công trình khoa học

Vừa bước qua cổng vào Viện KTCGQS, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh tất bật của các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật bên những chiếc xe cơ giới đủ loại gần như đã “bị tháo tung” ở khu xưởng ngay bên trái tòa nhà trung tâm của đơn vị. Cái nắng đầu hè oi nồng, bức bối dường như không làm ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của họ. Người nào việc nấy, các cán bộ của Viện cần mẫn tìm tòi trên từng phần việc được giao.

Đưa tay gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, sau khi kiểm tra một lượt các vị trí, Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý - Viện trưởng Viện KTCGQS mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Là nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học có trong tay rất nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước nhưng Đại tá Trần Hữu Lý không nói nhiều về bản thân. Anh bảo, có được những thành tích ấy bên cạnh nỗ lực của cá nhân còn nhờ sự ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành của tập thể Viện KTCGQS, đây cũng là động lực để những người làm khoa học như các anh không cho phép mình dừng lại.

 Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra công tác thiết kế, cải hoán xe tại Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự.

Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra công tác thiết kế, cải hoán xe tại Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự.

Hàng chục năm qua, cùng các cộng sự, Tiến sĩ Trần Hữu Lý đã đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền đạt cho các nhà khoa học trẻ, cùng họ dấn thân vào những lĩnh vực khoa học, nhiệm vụ kỹ thuật mới. Và Viện KTCGQS là một môi trường tốt để các anh “thỏa sức” phát huy năng lực của mình.

Tự hào khi giới thiệu về đơn vị, Đại tá Trần Hữu Lý cho biết: Là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực cơ giới động lực của Quân đội, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật các chuyên ngành kỹ thuật trong toàn quân, những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, phát huy sáng kiến vào công tác kỹ thuật của Viện đã có những bước đột phá. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ luôn có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần nâng cao khả năng cơ động và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta.

 Chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các nhà khoa học kiểm tra, tham quan sản phẩm đề tài độc lập cấp Quốc gia do Đại tá, TS Trần Hữu Lý – Viện trưởng làm chủ nhiệm đề tài.

Chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các nhà khoa học kiểm tra, tham quan sản phẩm đề tài độc lập cấp Quốc gia do Đại tá, TS Trần Hữu Lý – Viện trưởng làm chủ nhiệm đề tài.

5 năm (2019-2024), Viện KTCGQS đã sở hữu một “gia tài khủng” với 167 đề tài, nhiệm vụ khoa học được tổ chức thực hiện ở các cấp. Hơn 250 nhiệm vụ kỹ thuật, 87 công trình, sáng kiến áp dụng trong toàn quân đã phát huy hiệu quả và có tính ứng dụng cao; 2 công trình đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - VIFOTEC; 15 công trình, sáng kiến đạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội… Trong đó nổi bật là các đề tài do Viện chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu mới đây: 2 đề tài ở cấp Quốc gia là “Nghiên cứu ảnh hưởng của nút trống, biến dạng cấu trúc và điện trường đến cấu trúc và các đặc tính hấp phụ khí của vật liệu Mxenes” (2022) và “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt tổ hợp thiết bị công tác lên phao nổi thi công mở luồng, nạo vét luồng và khoan hạ cọc công trình quân sự ven biển và hải đảo” (2024); 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng cùng được nghiệm thu năm 2024 là “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế hệ thống cho xe chiến đấu bộ binh XCB-01” và “Nghiên cứu và tích hợp một số hệ thống đặc biệt cho xe chiến đấu bộ binh XCB-01” thuộc dự án “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo cho xe chiến đấu bộ binh XCB-01”.

“Mặc dù thời gian thực hiện đề tài ngắn, khối lượng công việc nhiều, mức độ khó, phức tạp cao, phải phối hợp, hiệp đồng với nhiều cơ quan, đơn vị, song với sự quyết tâm cao của các chủ nhiệm và ban đề tài, các đề tài cơ bản đã hoàn thành tốt các nội dung, kịp thời báo cáo các cơ quan và được Ban chủ nhiệm Dự án XCB-01 đánh giá tốt, nhất là các hệ thống đặc biệt cho xe XCB-01 đã thể hiện năng lực nghiên cứu chuyên sâu, giải quyết các vấn đề yêu cầu chất xám và năng lực thực tế” - nói về 2 đề tài mới này, Đại tá Trần Hữu Lý chia sẻ.

 Kiểm tra sản phẩm đề tài cấp Bộ Quốc phòng thuộc Dự án XCB-01.

Kiểm tra sản phẩm đề tài cấp Bộ Quốc phòng thuộc Dự án XCB-01.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Viện KTCGQS đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật giao, như: Tham mưu, đề xuất các nội dung cải tiến xe tăng T-54B giai đoạn 2; Phối hợp với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng báo cáo phương án thiết kế và tính năng chiến, kỹ thuật của xe thiết giáp chở quân (XTC-02), hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tổng tham mưu phê duyệt; Phối hợp với Viện Tên lửa/Viện Khoa học công nghệ Quân sự triển khai thực hiện nhiệm vụ “Thiết kế cải tạo xe Kamaz-53228 thành xe phục vụ kiểm tra tổ hợp tên lửa chống tăng B72 và vũ khí đạn” cho Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật; Báo cáo Cục Xe - máy thẩm định 5 hồ sơ cải tạo, thiết kế xe quân sự; Tham gia phiên dịch, làm việc với chuyên gia Liên bang Nga về sửa chữa, cải tiến xe tăng.

Cùng với đó là 53 nhiệm vụ kỹ thuật tổ chức thực hiện với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tiêu biểu như: Giám sát lắp đặt các trang thiết bị công nghệ thuộc Dự án “Đầu tư hiện đại hóa công nghệ, hạ tầng nhà xưởng, hệ thống trạm xưởng đảm bảo kỹ thuật Hải quân” cho Quân chủng Hải quân; Thiết kế, cải hoán xe Ford Everest thành xe thông tin mật mã cho Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiết kế, cải tạo ô tô sát xi tải KAMAZ-43118 thành trạm sửa chữa, bảo dưỡng cơ động ra-đa cho Quân chủng Phòng không – Không quân; Cung cấp rơ-moóc, giám sát thi công cải tạo xe và rơ moóc chuyên dùng cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Cải tạo, nâng cấp xe chỉ huy thông tin BTR-60PU cho Binh chủng Tăng thiết giáp; Hoàn thiện hồ sơ dấu “A” xe bếp tự hành cho Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần; Sửa chữa, phục hồi, đồng bộ xe công trình sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 4…

Môi trường tốt để các nhà khoa học đua tài

Nghe các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Viện cho biết, “đó mới chỉ là thống kê tóm tắt thôi”, chúng tôi không giấu nổi sự thán phục. Trước khối lượng công việc lớn như vậy, chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, thử thách mà những nhà khoa học, kỹ sư áo lính gặp phải. Và làm cách nào mà họ có thể vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ với những kết quả xuất sắc suốt thời gian vừa qua là câu hỏi lớn đối với những người ngoại đạo như chúng tôi.

Cán bộ Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự tham gia lớp chuyển giao công nghệ.

Cán bộ Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự tham gia lớp chuyển giao công nghệ.

Có lẽ đoán được những suy nghĩ của chúng tôi, Đại tá, Kỹ sư cao cấp Nguyễn Thế Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện KTCGQS khẳng định, để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, trọng tâm của trên, bằng những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đơn vị luôn bám sát các định hướng của trên, tích cực tham gia các chương trình, dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hóa trang bị kỹ thuật. Việc xác định phương hướng công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo đảm kỹ thuật được cụ thể hóa theo từng giai đoạn, phần việc, đến từng cá nhân phụ trách. Từ đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của đơn vị đi vào nền nếp, có chiều sâu chất xám, chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ được cải thiện và nâng lên, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới. Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả, được các cấp công nhận. Một trong số đó là mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” của Đoàn cơ sở của Viện triển khai thực hiện.

Tìm hiểu về mô hình chúng tôi được biết, phương pháp hoạt động của “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” rất linh hoạt. Từ một nhiệm vụ (đề tài) khoa học cụ thể của Viện, Ban Chấp hành đoàn cơ sở lựa chọn những cán bộ, đoàn viên có trình độ, chuyên môn phù hợp để thành lập một “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”. Sau đó xây dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo thực hiện nhiệm vụ khoa học để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý khoa học và đề nghị Viện chỉ định một số cán bộ có trình độ chuyên sâu, giỏi về lĩnh vực có liên quan đến nội dung nghiên cứu của Tổ để hướng dẫn, hỗ trợ nghiên cứu. Trên cơ sở hoàn chỉnh các nội dung, quy trình, thủ tục theo yêu cầu nhiệm vụ khoa học, Ban Chấp hành đoàn cơ sở trình Thủ trưởng Viện phê duyệt, triển khai. Sau khi “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” hoàn thành nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Viện tiến hành hội ý, rút kinh nghiệm việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học của các thành viên trong tổ, nhóm khoa học kỹ thuật trẻ để phát huy những kinh nghiệm sáng tạo, hiệu quả và khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học tiếp theo. Bắt đầu triển khai mô hình từ năm 2016 đến nay, năm nào cán bộ, sĩ quan trẻ của Viện cũng có công trình, sáng kiến khoa học tham gia và đoạt các giải chính thức Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân.

“Qua hoạt động của mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ”, Đảng ủy, chỉ huy Viện có thêm một kênh quản lý, phân loại, nắm khả năng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng phù hợp. Mô hình “Tổ khoa học kỹ thuật trẻ” đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật. Đối với đơn vị, chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2025, mỗi phòng chuyên môn có 2 - 3 chuyên gia đầu ngành” - Đại tá Nguyễn Thế Hiếu tự hào cho biết.

 Trung tá, Tiến sĩ Phạm Đình Khang (ngồi) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Phòng Công nghệ và vật liệu.

Trung tá, Tiến sĩ Phạm Đình Khang (ngồi) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Phòng Công nghệ và vật liệu.

Cũng theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Thế Hiếu, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một trong những tấm gương điển hình trong công tác khoa học của Viện là Trung tá, Tiến sĩ Phạm Đình Khang, Trợ lý nghiên cứu, Phòng Công nghệ và vật liệu. Sinh năm 1987, sau 10 năm học tập tại Nga, đầu năm 2018, Tiến sĩ Phạm Đình Khang về công tác tại Viện KTCGQS. Ngay từ năm đầu tiên, anh đã có hơn hai lần được giao đảm nhiệm tổ trưởng Tổ khoa học kỹ thuật trẻ. Tiến sĩ Khang là tác giả, đồng tác giả của 9 bài báo công bố quốc tế; chủ nhiệm, tham gia 2 công trình, đề tài cấp quốc gia… Anh tâm sự: “Hướng nghiên cứu của tôi là mảng vật liệu. Các đề tài thiên về học thuật, phải đào sâu, tập trung tuyệt đối nếu không rất có thể những ý tưởng nảy sinh trong đầu “bay biến hết”. Nhiều khi say việc quá mà tôi “bị đơ” cả mấy ngày liền. Thấu hiểu công việc của chúng tôi nên thủ trưởng, chỉ huy Viện luôn hết sức quan tâm, tạo điều kiện và không gian hợp lý để cán bộ làm việc, thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo của mình”.

Chia sẻ của Trung tá, Tiến sĩ Phạm Đình Khang đã được minh chứng cụ thể bằng một danh sách dài của 30 lượt tập thể và gần 400 cá nhân được nhận các hình thức khen thưởng trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của Viện KTCGQS trong 5 năm qua. Với sự nỗ lực không ngừng, họ đã từng bước làm chủ công nghệ, bảo đảm vũ khí kỹ thuật trang bị mới, sản xuất được nhiều loại vật tư, vật liệu đặc chủng chuyên ngành, góp phần nâng cao khả năng cơ động hỏa lực cho các lực lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội cách mạng trong tình hình mới.

Bài, ảnh: BÍCH TRANG - THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/gia-tai-cua-vien-ky-thuat-co-gioi-quan-su-779258