Gia tăng bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao được xác định một phần là do lối sống, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lí và nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh còn hạn chế.
Cách đây 5 năm, ông T.V. D. ở Nhĩ Trung, Gio Thành, Gio Linh phát hiện mình bị sụt cân, mệt mỏi, ăn uống nhiều, khát nhiều… nên đi đến bệnh viện để khám bệnh và được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường. Sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn cho cách điều trị, các chế độ dinh dưỡng hợp lí và cách luyện tập thể dục để kiểm soát bệnh có hiệu quả. Ông D. cho biết: “Khi được chẩn đoán mình bị mắc bệnh đái tháo đường, bản thân tôi thấy lo lắm. Tuy nhiên, khi được các bác sĩ tư vấn cách điều trị dự phòng và biết được các biến chứng có thể xảy ra do bệnh đái tháo đường thì tôi thấy yên tâm hơn nhiều. 5 năm nay, ngày nào tôi cũng uống thuốc đều đặn và định kì đi tái khám tại Trung tâm Y tế của huyện để được tư vấn, cấp thuốc điều trị. Bản thân tôi cũng thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, có chế độ ăn theo khuyến cáo của cán bộ y tế nên hiện nay sức khỏe tôi khá tốt”.
Trong số các bệnh nội tiết, rối loạn chuyển hóa thì bệnh đái tháo đường đang trở thành căn bệnh phổ biến và gia tăng nhanh trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng 200% trong những năm trở lại đây, điều đáng nói là có khoảng 70% bệnh nhân đái tháo đường không biết tình trạng bệnh của mình. Trong khi đó, bệnh đái tháo đường phát triển khá “thầm lặng” với những dấu hiệu tương đồng với nhiều bệnh khác, khiến người mắc phải đôi khi rất khó nhận ra. Khi đã mắc bệnh, sức khỏe và tinh thần của người bệnh sẽ bị sụt giảm nhanh chóng, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng ở mắt, tim mạch, thận, thần kinh…
Để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng, chống bệnh đái tháo đường, thời gian qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức truyền thông để nâng cao hiểu biết của người dân về phòng, chống bệnh đái tháo đường, đặc biệt chú trọng vào các buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, thông qua ngày đái tháo đường Thế giới 14/11 hằng năm, truyền thông qua hệ thống loa phát thanh xã phường, xe truyền thông lưu động; tham gia các lớp nâng cao năng lực chuyên môn do Trung ương tổ chức về chẩn đoán, điều trị, quản lí bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lí Y học gia đình. Tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn theo dõi, quản lí bệnh không lây nhiễm cho cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn; triển khai sàng lọc đái tháo đường cho đối tượng có độ tuổi từ 30-69 ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Bác sĩ Đỗ Thị Ý Nhi, Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Bệnh đái tháo đường là bệnh không lây, có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường là những người thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23), tăng vòng eo (≥ 90 cm đối với nam và ≥ 80 cm đối với nữ), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiền sử gia đình có người thân trực hệ bị bệnh đái tháo đường, người đã từng được chẩn đoán rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose, phụ nữ có tiền sử sinh con > 4 kg hoặc tiền sử đái tháo đường thai kì… Vì vậy mọi người cần loại bỏ các hành vi nguy cơ và thực hiện các hành vi có lợi, nhất là các hành vi về hoạt động thể lực thường xuyên và chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lí để phòng chống bệnh đái tháo đường có hiệu quả”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140687