Gia tăng bệnh truyền nhiễm dễ nhầm với cảm lạnh
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân đứng đầu gây bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ.
Virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí. Thậm chí, dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
Dịch bệnh có thể diễn biến khó lường
Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, dịch Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia. Đến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 678 triệu ca mắc Covid-19, trên 6,7 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch.
Trong khi đó, bệnh cúm mùa hằng năm vẫn ghi nhận khoảng hơn 1 tỷ trường hợp mắc, 3 - 5 triệu ca bệnh nặng và 291.000 - 646.000 ca tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện và lây lan tại nhiều quốc gia. Đây là các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu cần quan tâm. Số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cũng tăng cao tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc Covid-19 và trên 43.000 trường hợp tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9,7 triệu ca mắc.
Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong. Đồng thời, Việt Nam cũng ghi nhận 2 trường hợp đậu mùa khỉ. Đây là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A(H5).
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. Trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát, cần được tiếp tục theo dõi chặt tránh lơ là, chủ quan.
Đáng chú ý, số ca mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) có dấu hiệu tăng trở lại. Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca mắc RSV có xu hướng tăng. Bệnh diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Từ đầu năm đến ngày 5/3, tổng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp ghi nhận tại bệnh viện là 1.025 trường hợp.
Tác nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp ở trẻ
Tỷ lệ tử vong do RSV là 2,8 - 22% trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Các bệnh phổi Thế giới, mỗi năm, virus RSV cướp đi sinh mạng của ít nhất 66.000 trẻ em và có khoảng 3 triệu người nhập viện vì nhiễm virus này.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, RSV là một trong những tác nhân đứng đầu gây bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp.
Trẻ cũng dễ có nguy cơ bị các biến chứng khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển... Biến chứng nguy hiểm của bệnh là suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi...
Chia sẻ về RSV, PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh có triệu chứng nhẹ, tương tự cảm lạnh.
Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt nguy cơ cao ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mạn tính… Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong.
Virus RSV khi vào cơ thể qua đường mũi sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí. Thậm chí, dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, RSV có cơ chế lây nhiễm như virus Corona, lây lan thông qua dịch tiết hô hấp. Virus RSV có 2 tuýp. Trong đó, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng. Tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt.
Khi virus hợp bào (RSV) ảnh hưởng đến mũi họng (hệ thống hô hấp trên), các triệu chứng thường nhẹ và giống với biểu hiện do nhiều loại virus khác gây ra như virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus, Bocavirus, Adenovirus…
Do đó, khi thăm khám lâm sàng không thể phân biệt là do virus nào gây ra bệnh. Các triệu chứng bao gồm: Ho nhiều với đờm vàng, xanh hoặc xám; Nghẹt hoặc sổ mũi; Đau họng nhẹ; Đau tai; Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể khó thở.
Đặc biệt, triệu chứng dễ nhận biết nhất của RSV là họng có nhiều đờm, quánh dịch, khiến đường hô hấp bít tắc, khó thở. Bệnh diễn tiến nặng từ ngày thứ 3 - 5 sau khi nhiễm RSV.
Tình trạng này khiến trẻ ho càng lúc càng nhiều, nhất là ở những bé có bệnh nền nặng như: Tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng.
Theo chuyên gia này, tùy theo lứa tuổi, thể trạng, số lần mắc bệnh mà trẻ có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Nhóm trẻ dưới 1 tuổi thường mắc những biến chứng nặng hơn.
Hầu hết viêm phổi do RSV có thể khỏi hoàn toàn sau 1 - 2 tuần, hoặc có thể kéo dài hơn. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, virus này thường gây cảm lạnh nhẹ và tự khỏi sau đó.