Gia tăng ca mắc bệnh do ký sinh trùng nhưng người dân vẫn chủ quan

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các bệnh giun lây truyền từ đất đã giảm nhưng bệnh do ký sinh trùng đang có xu hướng gia tăng như giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và nhỏ, sán dây lợn, dây bò.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương chia sẻ về bệnh lý do ký sinh trùng.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương chia sẻ về bệnh lý do ký sinh trùng.

Việt Nam hiện có khoảng 10 loại bệnh do ký sinh trùng lưu hành. Bệnh giun truyền qua đất tác động một cách âm thầm kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người, ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc, gây trở ngại tới sự phát triển kinh tế.

Tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất của cả nước khoảng 30%, trong đó khu vực miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ nhiễm cao nhất từ 50%-84%, tiếp đến là các tỉnh khu vực miền trung, Tây Nguyên khoảng 30-50%, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 10-30% và nhiễm thấp nhất là các tỉnh khu vực miền Nam khoảng 5-20%. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo Tiến sĩ Cảnh, năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 triệu viên thuốc tẩy giun, giảm 60% so với năm 2024. Do đó, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đề nghị Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí của tỉnh để mua thuốc tẩy giun cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao tại các vùng dịch tễ của bệnh.

Hiện nay, có nhiều loại bệnh ký sinh trùng mới nổi nhưng chưa được thật sự quan tâm. Giun đũa chó mèo là bệnh từ nuôi thú cưng, chó mèo thả rông. Năm 2024, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương ghi nhận khoảng 30.000 người đến khám vì nghi ngờ nhiễm loại giun này.

Nguyên nhân từ phân chó mèo thải ra môi trường và lây nhiễm với người qua đường miệng có thể do ôm thú cưng, chạm vào lông thú cưng, làm vườn không có bảo hộ. Ấu trùng giun đi từ da vào trong máu, phổi, gan, mắt và gây bệnh ở vị trí chúng ký sinh.

Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người nhiễm sán lá gan nhỏ do ăn cá làm gỏi, muối hoặc chưa nấu chín và hàng trăm nghìn trường hợp mắc các bệnh giun sán khác.

Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật. Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền bắc; 12 tỉnh, thành phố khu vực miền trung và miền nam với ước tính khoảng 1 triệu người nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do tập tục ăn uống các món cá sống như gỏi cá, cá ủ chua.

Bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sán gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gặp sán lá gan lớn lạc chỗ gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh.

Bệnh sán dây có ở 60/63 tỉnh, thành phố, mỗi năm có hàng chục nghìn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. Bệnh gây ra các tổn thương và triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, tại mắt, cơ vân, cơ tim, gan thận.

"Tại khu vực Tây Nguyên, các nghiên cứu của chúng tôi trên mẫu phân cho thấy 30% chứa sán lá gan. Bò có sán nếu nấu ăn không chín thì nguy cơ nhiễm sán. Phân bò cũng phát tán ấu trùng sán ra môi trường. Trong khi đó, tại hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), 70% cá được xét nghiệm nhiễm sán lá gan. Nếu người dân ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín, rau thủy sinh trong vùng này nguy cơ nhiễm sán lá gan rất lớn bao gồm cả sán lá gan lớn và nhỏ", bác sĩ Cảnh nói.

Bác sĩ Cảnh cho rằng cần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trong văn hóa ăn uống nhất là ở những người dân ở vùng có tập quán ăn sống, tái, dùng tiết canh; luôn ăn chín, uống sôi, nuôi thú cưng sạch sẽ.

Bác sĩ Cảnh cho rằng cần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trong văn hóa ăn uống nhất là ở những người dân ở vùng có tập quán ăn sống, tái, dùng tiết canh; luôn ăn chín, uống sôi, nuôi thú cưng sạch sẽ.

Ngoài ra còn rất nhiều bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng, bệnh do nấm, đơn bào… ngày càng gặp nhiều gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu và gây ra những gánh nặng bệnh tật rất lớn tại cộng đồng.

Thói quen ăn tiết canh chính là nguyên nhân gây lây nhiễm rất nhiều mầm bệnh, bao gồm cả các bệnh ký sinh trùng như sán dây lợn, các nang sán làm tổ khắp cơ thể, kể cả trong não. Tiết gia cầm chứa ấu trùng giun đầu gai, giun đũa chó mèo.

Bác sĩ Cảnh cho biết, hiện nay các bệnh giun sán truyền từ động vật sang người được chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở điều trị chuyên ngành và đa khoa nhưng chưa có hoạt động can thiệp bài bản tại các tỉnh, thành phố.

"Hiện chưa có chương trình tài trợ, được quan tâm một cách có hệ thống để tiến hành điều tra nghiên cứu xác định tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng, giúp người dân tăng thêm kiến thức hiểu biết để có biện pháp dự phòng còn đang thiếu, có biện pháp can thiệp ở cộng đồng kịp thời", Tiến sĩ Cảnh nói.

Được coi là bệnh âm thầm, nhưng ảnh hưởng đến giống nòi, do đó, bác sĩ Cảnh cho rằng cần tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trong văn hóa ăn uống nhất là ở những người dân ở vùng có tập quán ăn sống, tái, dùng tiết canh; luôn ăn chín, uống sôi, nuôi thú cưng sạch sẽ.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-tang-ca-mac-benh-do-ky-sinh-trung-nhung-nguoi-dan-van-chu-quan-post860094.html