Gia tăng các giải pháp 'lá chắn số' bảo vệ người dùng dịch vụ ngân hàng

Sự bùng nổ của công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về bảo mật thông tin. Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Gần đây, một nhân viên chi nhánh ngân hàng Agribank đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn một vụ lừa đảo chuyển tiền tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Cụ thể, bà N.T.M (Nam Định) đã đến phòng giao dịch yêu cầu ngay lập tức rút 350 triệu đồng từ sổ tiết kiệm để chuyển vào một số tài khoản lạ ở ngân hàng khác. Trong quá trình thực hiện giao dịch, bà M. luôn trong trạng thái hoang mang, lo sợ, liên tục nghe điện thoại từ một người nào đó.

Nhận thấy những dấu hiệu bất thường, giao dịch viên Ngô Thị Phương đã khéo léo trò chuyện, tìm hiểu thêm thông tin. Bà M. lúc này mới chia sẻ rằng bà rút tiền, chuyển vào tài khoản lạ kia theo hướng dẫn của một người tự xưng là cán bộ của Bộ Công an. Người này thông báo bà có liên quan đến một đường dây lừa đảo, sau đó yêu cầu bà Minh không được tiếp xúc hay thông báo cho người nhà. Tiếp đến, hắn yêu cầu bà M. ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm và chuyển cho hắn với lý do “Để niêm phong” và sau khi xác minh làm rõ sẽ trả lại.

Với kinh nghiệm dày dặn và tinh thần cảnh giác cao, giao dịch viên Ngô Thị Phương nhanh chóng xác định đây chính là một vụ giả danh công an lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại. Nhờ sự nhanh nhạy và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ngân hàng, bà M. đã không thực hiện giao dịch chuyển tiền, bảo toàn được toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình.

Sự kiện họp báo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025

Sự kiện họp báo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2025

Với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý kịp thời các vụ việc lừa đảo, không chỉ riêng với Agribank mà các ngân hàng đã và đang khẳng định vai trò của mình trong việc bảo vệ khách hàng trước các nguy cơ lừa đảo trên không gian mạng.

Từ 1/4/2025, BIDV đã thí điểm triển khai hệ thống cảnh báo tài khoản nghi ngờ khi khách hàng thực hiện chuyển tiền. Khi khách hàng chuyển tiền, hệ thống sẽ hiện cảnh báo nếu tài khoản nhận nằm trong danh sách nghi ngờ gian lận. Nếu người chuyển vẫn tiếp tục giao dịch, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý và tài chính. Từ khi triển khai đến nay, hệ thống đã giúp giữ lại trên 100 tỷ đồng không bị chuyển đến các tài khoản đáng ngờ.

Các ngân hàng lớn khác như Vietcombank, VietinBank, MB, Agribank cho biết sẽ lần lượt triển khai tính năng này trong tháng 6 và 7/2025. Dự kiến, toàn hệ thống ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ tính năng này trong năm 2025, sau khi tổng kết và rút kinh nghiệm từ giai đoạn thí điểm tại 5 ngân hàng lớn.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại họp báo Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025 mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hiện nay, NHNN đang xây dựng một kho dữ liệu tập trung về các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ gian lận. Danh sách các tài khoản này sẽ được cập nhật liên tục, có thể thêm mới hoặc loại ra tùy theo tình hình thực tế. Toàn bộ hệ thống dữ liệu được tích hợp và vận hành trong cơ sở dữ liệu SIMO do NHNN quản lý, bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch và chuyên sâu.

Cùng với đó, NHNN đang trong lộ trình sửa đổi Thông tư số 17/2024/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng siết chặt xác thực danh tính chính chủ đối với tài khoản thuộc tổ chức và doanh nghiệp giống như các khách hàng cá nhân, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2025.

Cụ thể, với dạng tài khoản này, NHNN sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đến trực tiếp các TCTD để mở tài khoản và không chấp nhận bất kỳ một hình thức nào khác, như mở tài khoản qua thư hay ủy quyền cho một người khác mang hồ sơ đến. Việc sửa đổi này sẽ yêu cầu thu thập sinh trắc học tất cả từ cá nhân đến tổ chức khi thực hiện mở tài khoản. Để đảm bảo tài khoản giao dịch chính chủ, công nghệ có vai trò đảm bảo đối chiếu khớp đúng.

“Trong thời gian vừa qua, khi NHNN đẩy mạnh sử dụng thông tin sinh trắc học cá nhân, các tổ chức tội phạm lừa đảo đã chuyển qua tài khoản tổ chức để lừa đảo. Trong thông tư mới, NHNN sẽ không cho sử dụng alias (bí danh), mà phải sử dụng tài khoản cụ thể của ngân hàng để tránh gây ra hiểu lầm cho người chuyển tiền. Đây là những định hướng giải pháp mà NHNN hiện nay và sắp tới triển khai để hỗ trợ người dùng phòng tránh các hành vi lừa đảo”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gia-tang-cac-giai-phap-la-chan-so-bao-ve-nguoi-dung-dich-vu-ngan-hang-164888.html