Gia tăng căng thẳng Trung - Nhật

Ngày 22/6, Hội đồng thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã phê chuẩn một dự luật thay đổi tình trạng của một chuỗi đảo mà cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Theo giới quan sát, động thái đe dọa làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.

Nỗi lo về một cuộc đối đầu đã gia tăng vào tuần trước khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo rằng, họ đã phát hiện các tàu của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mỗi ngày kể từ giữa tháng 4, lập kỷ lục mới về số ngày xuất hiện liên tiếp.

 Một máy bay của Nhật Bản bay qua đảo Senkaku/Điếu Ngư

Một máy bay của Nhật Bản bay qua đảo Senkaku/Điếu Ngư

Đến ngày 19/6, 67 ngày liên tiếp các tàu nói trên bị phát hiện tại khu vực này. Phản ứng lại sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu Trung Quốc, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi Suga trong một cuộc họp báo ngày 17/5 đã khẳng định lại quan điểm của Tokyo đối với vấn đề này rằng, quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và chắc chắn là lãnh thổ của Nhật Bản về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Các hoạt động này tiếp diễn là việc cực kỳ nghiêm trọng. Nhật Bản sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định rằng, Điếu Ngư và các đảo có liên quan là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật ở các vùng biển này và yêu cầu Nhật Bản tuân thủ tinh thần đồng thuận bốn nguyên tắc, tránh tạo ra các sự cố mới về vấn đề quần đảo Điếu Ngư và có những hành động thiết thực để duy trì sự ổn định của tình hình Biển Hoa Đông.

Cuộc khủng hoảng gần đây nhất liên quan đến các đảo đã xảy ra vào năm 2012. Năm đó, Nhật Bản đã quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân để tránh việc bán các đảo theo một kế hoạch lúc bấy giờ. Kế hoạch này đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn trên khắp Trung Quốc. Tình hình trở nên phức tạp khi những người biểu tình ném đá vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, gây rối tại các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản tại thành phố này.

Trong bối cảnh hiện nay trong khu vực, Trung Quốc đang cho thấy họ sẵn sàng đẩy mạnh yêu sách của mình. Chẳng hạn, ở Biển Đông, Trung Quốc đã điều máy bay lên các đảo nhân tạo từng xây dựng; đánh chìm chiếc thuyền đánh cá Việt Nam; quấy rối một tàu khảo sát do Malaysia thuê và điều một tàu vào vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền. Trong khi Trung Quốc đang rơi vào bế tắc trong căng thẳng biên giới với Ấn Độ tại khu vực "nóc nhà" thế giới Himalaya, nhóm các đảo đá cách đó cả ngàn cây số có thể sẽ trở thành "mồi lửa" quân sự tiếp theo chờ thời điểm để bùng nổ.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/gia-tang-cang-thang-trung-nhat-80426.html