Gia tăng đối phó với Trung Quốc trên biển Đông
Các nước trong khu vực đang tích cực củng cố sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20-7 thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực.
"Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu và khí đốt ngoài khơi của các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác là đe dọa an ninh năng lượng khu vực, làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định, đồng thời nhấn mạnh Washington phản đối mạnh mẽ hành vi cưỡng chế và đe dọa của mọi quốc gia nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình.
"Như Ngoại trưởng Mike Pompeo từng tuyên bố vào đầu năm nay, bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc đã ngăn các quốc gia ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi trị giá 2.500 tỉ USD" - bà Ortagus nói.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc cần phải chấm dứt mọi hành vi bắt nạt và kiềm chế tham gia vào các hoạt động khiêu khích, gây bất ổn. "Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở biển Đông, cùng với những nỗ lực khác trong việc khẳng định yêu sách phi pháp của họ ở vùng biển này, trong đó có việc sử dụng dân quân biển để gây sức ép, cưỡng chế và đe dọa các quốc gia khác, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực" - bà Ortagus khẳng định.
Ông Gregory Poling, từ Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), khẳng định tuyên bố trên là "một bước đi quan trọng" của Washington vì nó cho thấy họ lưu tâm đến mọi hành vi phạm pháp trên biển Đông, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động tự do hàng hải như trước đây. "Bộ Ngoại giao Mỹ đã thực hiện một bước đi quan trọng khi lên tiếng phản đối việc Trung Quốc sử dụng dân quân gây bất ổn biển Đông, cũng như cản trở hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Việt Nam" - ông Poling giải thích.
Trước đó, vào hôm 19-7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng: "Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và các nước ASEAN. Hành vi dọa nạt của Trung Quốc nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á láng giềng đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình - ổn định khu vực".
Theo báo South China Morning Post, các nước trong khu vực đang tích cực củng cố sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Giới quan sát khẳng định Bắc Kinh đang tăng cường sử dụng tàu cảnh sát biển để khẳng định yêu sách chủ quyền ngang ngược của họ mà không cần đến sự tham gia của quân đội - một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Lực lượng Cảnh sát biển Philippines hôm 17-7 thông báo sẽ tiếp nhận một tàu tuần tra ngoài khơi dài 84 m vào tháng 12 tới. Có thể là tàu tuần tra "lớn và hiện đại nhất" của Philippines, con tàu này được kỳ vọng sẽ thực hiện tất cả sứ mệnh bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải của Philippines tại biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn biển Đông bất chấp bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này.
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, tuần rồi chỉ trích Bắc Kinh vì điều mà ông mô tả là "phô diễn sức mạnh quân sự trên biển Đông", đồng thời xác nhận cam kết của Washington về việc tiếp tục hiện diện trên vùng biển tranh chấp nhằm giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên các quy tắc. "Nhiều quốc gia khác ủng hộ FONOP khá mạnh mẽ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc" - ông Davidson tuyên bố.